Trải nghiệm trò chơi dân gian tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN |
Dù vẫn còn bộc lộ những bất cập, song lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, đặc biệt người dân đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ được sử dụng sóng wifi miễn phí như một số điểm du lịch khác.
5.000 – 6.000 lượt khách tham quan mỗi tuần
Một ngày cuối tuần giữa tháng 6, phố đi bộ Trịnh Công Sơn là điểm đến thu hút du khách gần xa; các sân khấu biểu diễn âm nhạc, các khu vui chơi tấp nập trẻ nhỏ…Hòa trong dòng người dạo phố, chúng tôi cảm nhận được sức hút riêng của không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố nằm ven hồ Tây. Ra đời sau, lại chịu áp lực của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm khi điểm đến này quá đông khách, quận Tây Hồ đã tạo được điểm nhấn riêng cho phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Đó là không gian nhạc Trịnh với những hình ảnh nhà xưa, ngói cũ và những giọng ca nhạc Trịnh mộc mạc, gần gũi. Giữa không gian đi bộ là một hồ nước với đài phun nước cỡ lớn hòa cùng hiệu ứng ánh sáng, tạo ra những vũ điệu nước lung linh sắc màu.
Hơn nữa, phố đi bộ Trịnh Công Sơn nằm sát ven hồ Tây thơ mộng có không khí trong lành của hồ nước cùng hương sen mùa hạ khiến cả không gian như dịu lại. Khu vực ẩm thực được thiết kế với những gian hàng đồng bộ, bày bán sản phẩm đặc trưng của Hà Nội cùng nhiều sản phẩm quà, đồ uống khác. Mặc dù, từ khi đi vào hoạt động đến nay, thời tiết thường có mưa song lượng khách đến với phố đi bộ Trịnh Công Sơn rất đông, đạt từ 5.000 - 6.000 lượt khách mỗi tuần.
Đến từ phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội bác Trần Phúc Hiền cho biết, lần đầu tiên tham quan phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhưng bác thấy không gian này sôi động, nhiều hoạt động phong phú, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Sân khấu chính tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, thể thao diễn ra từ 20 giờ đến 21 giờ do Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Hoa Mai, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội….đảm nhiệm, luôn thu hút người xem. Bên cạnh không gian nhạc Trịnh, quận Tây Hồ còn xây dựng cây cầu nghệ thuật và khu nhà cổ. Khu vực này thường xuyên diễn ra hoạt động nghệ thuật của nhóm xẩm Hà thành, nhóm xẩm Thanh Vân, nhóm nhạc dân tộc nghệ sĩ Đoàn Tiến, ảo thuật gia Trương Công Tuấn, biểu diễn võ thuật của Trung tâm Đào tạo Võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam…tạo sự phong phú trong hoạt động biểu diễn phục vụ khách.
Tại đây cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: Chơi ô ăn quan, nhảy dây hoặc xếp hình… do các nhóm sinh viên Trường Đại học Nội vụ tổ chức, thu hút rất đông các em nhỏ tham gia. Hoàng Minh Hiếu, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Nội vụ chia sẻ, nhóm của Hiếu có 5 người cùng thành lập dự án hoạt động vì cộng đồng miễn phí. Các tối cuối tuần, nhóm mang đồ chơi xếp gỗ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các em nhỏ tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Do đón đúng tâm lý của trẻ nhỏ, trò chơi xếp gỗ của nhóm được các em tham gia với sự say mê, thích thú. Hiếu cho biết, nhóm mong muốn sẽ triển khai dự án hoạt động vì cộng đồng miễn phí ra nhiều địa phương khác nhưng hiện tại chưa đủ nguồn lực.
Hoàn thiện không gian đi bộ
Dù đang trở thành điểm đến thu hút khách nhưng phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng bộc lộ tồn tại cần được điều chỉnh để hoàn thiện hơn.
Khu vực ẩm thực tại không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN |
Điều mọi người dễ nhận thấy là khu vực phố Trịnh Công Sơn không rộng, lại bày bán nhiều hàng hóa lộn xộn từ đồ chơi trẻ em đến xúc xích nướng, thịt xiên nướng, nước giải khát, thậm chí có cả quán bán bia...Trong khi đó, theo quy hoạch ban đầu, tại phố Trịnh Công Sơn sắp xếp 30 gian hàng nghệ thuật như ông đồ viết thư pháp, trưng bày giấy dó, nặn tò he, bán sách báo…Nhưng đến thời điểm này, hầu như chưa có gian hàng trưng bày nghệ thuật nào được bố trí, người dân tự phát bán hàng hoặc đăng ký bán những sản phẩm không theo quy hoạch. Ngay tại khu vực ẩm thực, mặt hàng bày bán cũng còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm mang tính truyền thống. Khu vực đường rặng nhãn còn xuất hiện tình trạng một số cá nhân tự phát kéo loa thùng tổ chức cho khách hát karaoke có thu phí.
Đầu khu phố đều có trạm barie chốt trực do lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác thực hiện, song hiện tượng đi xe máy trong khu vực vẫn xảy ra, nhất là ban ngày. Có thời điểm trời mưa, mặc dù chưa hết giờ chốt trực song các lực lượng đã mở barie nên xe máy qua lại nhiều. Âm thanh của sân khấu chính luôn để loa ở công suất lớn làm ảnh hưởng tới toàn bộ không gian đi bộ, lấn át cả các hoạt động ở sân khấu nhỏ. Điều dễ nhận thấy là hoạt động khu vực phố Trịnh bị ảnh hưởng do nằm ngay cạnh sân khấu lớn, âm thanh hai điểm biểu diễn này bị xung đột nhau.
Giải thích vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, sở dĩ khu vực phố Trịnh Công Sơn bày bán hàng không theo quy hoạch do một doanh nghiệp đăng ký trưng bày các gian hàng nhưng sau đó rút không tham gia và hiện quận chưa kêu gọi được doanh nghiệp khác. Khi người dân đăng ký vào bày bán, UBND phường Nhật Tân quản lý bằng cách yêu cầu các hộ doanh đăng ký kinh doanh với phường. Quận Tây Hồ cũng giao phường Nhật Tân xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng rong trái phép, kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ xe tự phát, không phép. Với những bất cập khác, quận sẽ từng bước khắc phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Khuyến cũng cho biết, không gian đi bộ đang được bổ sung đèn chiếu sáng tại tuyến đường từ rặng nhãn đi qua các đầm sen tới cổng nhà máy xử lý nước thải. Đặc biệt, quận Tây Hồ đang phối hợp cùng Viettel tiến hành lắp đặt hệ thống wifi miễn phí phục vụ khách tham quan không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Việc lắp đặt sẽ hoàn thành trong quý III, khi đó người dân và du khách đến đây sẽ được thụ hưởng wifi miễn phí tương tự như các điểm du lịch khác trên địa bàn Hà Nội. Cùng với đó, quận Tây Hồ tiếp tục hoàn thiện việc quản lý phương tiện tham gia giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...để đảm bảo tính hiệu quả của phố đi bộ, tạo ra điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn cho nhân dân Thủ đô và du khách.
Đinh Thuận