Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đi thăm một số mô hình phát triển nông nghiệp có hiệu quả tại huyện Ba Vì, Hà Nội (tháng 8/2017). |
Sau khi triển khai Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2015... Việc dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Một số huyện đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như: Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây.
Sản xuất rau siêu sạch tại Khu sinh thái nông nghiệp Thung lũng Ngọc Linh Hòa Lạc, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. |
Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường mạnh hơn. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Trong 2 năm 2016 và 2017, thành phố Hà Nội đã có 3 huyện là Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, như vậy cho đến nay Hà Nội đã có đến 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 294 xã, chiếm 76,16%.
Bưởi là một trong bốn cây trồng chủ lực nằm trong Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội. |
Hạ tầng khu vực nông thôn được tăng cường như: Hệ thống thoát nước cơ bản đạt yêu cầu, các công trình thủy lợi, nội đồng đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình điện, đường, trường học, trạm điện... được cải tạo, xây mới kiên cố hóa, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trên toàn địa bàn thành phố. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu chương trình), từ đó có 10 đến 12 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 2 huyện so với mục tiêu của chương trình)…
Thực hiện: Nguyễn Thắng, Hoàng Hà