Toàn cảnh hội nghị. |
Hội nghị thu hút hơn 250 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ngành của thành phố Hà Nội, 21 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố (Sở NN&PTNT 21 tỉnh, thành phố) là thành viên của Ban điều phối. Đặc biệt, hội nghị còn thu hút 150 doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, tiêu biểu của các cơ sở đại diện chuỗi sản xuất, cung ứng nông lâm thủy sản an toàn cho thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Hà Nội duy trì được các chuỗi cung ứng, bảo đảm sản lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ cho người tiêu dùng Thủ đô thời gian qua là nhờ sự tích cực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. |
Tại hội nghị này, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT HN) cho biết, Sở NN&PTNT HN và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã tích cực kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi, tăng 184 chuỗi so với cùng kỳ năm 2018. Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển được 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hà Nội triển khai các nội dung, kế hoạch của Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội năm 2019. |
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã xây dựng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ. Cụ thể như: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê… Hà Nội đã cấp 8 giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh nông sản, thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. Thông qua các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, các tỉnh, thành phố thuộc Ban điều phối, Hà Nội đã cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô hàng vạn tấn nông sản, thực phẩm an toàn.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết: Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố luôn tăng cường năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (trọng tâm là rau, thịt); thường xuyên phối hợp, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; tham quan mô hình chuỗi kết nối doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản tại các tỉnh như: Ninh Bình, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lâm Đồng…
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo làm rõ một số kết quả đạt được trong chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn và công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản thành phố Hà Nội và kế hoạch trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT HN cho rằng, để thực hiện tốt hơn nữa công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT HN đề nghị Sở NN&PTNT 21 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hà Nội triển khai các nội dung, kế hoạch của Ban điều phối năm 2019. Sở NN&PTNT HN sẽ chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện tốt một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng việc đổi mới tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất số lượng sang chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, chứng minh và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm; Tham mưu cơ cấu lại lĩnh vực chế biến theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển thị trường phù hợp với thực tiễn; Chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai, áp dụng thống nhất quản lý Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội, tiến tới kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia; Các đơn vị trong ngành khẩn trương tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi của thành phố Hà Nội thay thế Quyết định 2582; Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến nông nghiệp ở trong nước và nước ngoài nhằm kết nối tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, hàng hóa phát triển thị trường tiêu thụ của thành phố; hỗ trợ định hướng xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài.
Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh, thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản với Đại diện hệ thống siêu thị Big C, Aeon và Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, Hà Nội thời gian qua đã làm việc với các tỉnh, thành phố về nội dung hợp tác liên kết, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, đưa nông sản địa phương về với Hà Nội và ngược lại, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Ngành Nông nghiệp Hà Nội bên cạnh việc thúc đẩy phát triển liên kết chuỗi, cần đẩy mạnh hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của các tỉnh khi đưa về Hà Nội tiêu thụ. Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động nhằm tạo nguồn cung uy tín, chất lượng từ các tỉnh về Hà Nội. Do tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu mong muốn các tỉnh, thành phố cần chung tay với Hà Nội quan tâm, thúc đẩy việc cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu nông sản, thực phẩm của Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2020, trong đó, chú trọng tìm kiếm các mặt hàng thay thế thịt lợn, đa dạng hàng hóa…
Hội nghị thu hút 150 doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, tiêu biểu của các cơ sở đại diện chuỗi sản xuất, cung ứng nông lâm thủy sản an toàn cho thành phố Hà Nội. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ban, ngành của Hà Nội tham quan khu trưng bày. |
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Sở NN&PTNT 21 tỉnh, thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản với Đại diện hệ thống siêu thị Big C, Aeon và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.
Một số hình ảnh về các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố được giới thiệu bên lề hội nghị. |
Bài: Ngô Hương - Ảnh: Hoàng Hà