"Nghề thêu như đã ăn vào máu thịt tôi"
Theo lời kể của những bậc cao niên trong xã, nghề thêu tay bắt đầu được hình thành ở thôn Xuân Nẻo khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, sau đó mở rộng sang các thôn Ô Mễ, Lạc Dục. Có thời điểm, với chủ trương khuyến khích nghề thêu ren, xã Hưng Đạo tích cực mở lớp dạy nghề, số người học nghề thêu tăng nhanh, năm 1970 toàn xã có khoảng 2.000 người biết thêu. Những thợ giỏi được Nhà nước đào tạo để đi dạy nghề thêu ở nhiều huyện, nhiều tỉnh thành khác. Sản phẩm thêu lúc bấy giờ xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau khi Liên Xô tan rã, thị trường truyền thống mất, hợp tác xã thêu của xã giải thể khiến hàng nghìn thợ thêu lao đao. Không ít người chuyển sang nghề khác, còn lại số ít mạnh dạn đứng ra mở cơ sở thêu riêng và từng bước tìm chỗ đứng. Cơ sở thêu Hoan - Tứ của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hoan ra đời trong hoàn cảnh đó.
Theo lời kể của những bậc cao niên trong xã, nghề thêu tay bắt đầu được hình thành ở thôn Xuân Nẻo khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, sau đó mở rộng sang các thôn Ô Mễ, Lạc Dục. Có thời điểm, với chủ trương khuyến khích nghề thêu ren, xã Hưng Đạo tích cực mở lớp dạy nghề, số người học nghề thêu tăng nhanh, năm 1970 toàn xã có khoảng 2.000 người biết thêu. Những thợ giỏi được Nhà nước đào tạo để đi dạy nghề thêu ở nhiều huyện, nhiều tỉnh thành khác. Sản phẩm thêu lúc bấy giờ xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau khi Liên Xô tan rã, thị trường truyền thống mất, hợp tác xã thêu của xã giải thể khiến hàng nghìn thợ thêu lao đao. Không ít người chuyển sang nghề khác, còn lại số ít mạnh dạn đứng ra mở cơ sở thêu riêng và từng bước tìm chỗ đứng. Cơ sở thêu Hoan - Tứ của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hoan ra đời trong hoàn cảnh đó.
Cơ sở thêu của nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Hòa tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, mỗi lao động thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN |
Trong căn phòng nhỏ chỉ chừng 30m2, xung quanh bày kín tranh thêu và tủ đồ nguyên liệu, nữ nghệ nhân ngồi bên khung tranh thêu khổ lớn vừa thoăn thoắt tay thêu vừa kể: “Tôi đi thêu từ năm lên 7 tuổi, tính đến nay cũng đã 50 năm gắn bó với nghề. Nghề thêu như là đã ăn vào máu thịt tôi rồi. Sau khi hợp tác xã không duy trì được, tôi rủ các chị em ra làm riêng. Càng làm, mình càng cải tiến mẫu mã, sát với thị hiếu người dùng”. Những ngày đầu, sản phẩm thêu là các bức tranh phong cảnh, hình rồng vàng, cá vàng... trên khăn tay, đồ lưu niệm, ga hoặc gối. Dần dần, để phù hợp thị hiếu người dùng, sản phẩm đa dạng hơn như dòng tranh nghệ thuật thêu phong cảnh đồng quê, danh thắng, bộ tranh tứ quý, các tích cổ...
Sản phẩm thêu Xuân Nẻo ngày nay có nét tinh xảo đặc biệt bởi đường thêu mịn, sắc nét, màu tranh không bị nhòe, phai như một số sản phẩm thêu khác trên thị trường. Bí quyết không chỉ ở đôi tay tài hoa của người thợ, ở sợi chỉ thêu phải mảnh, vải thêu chất lượng cao mà điều quan trọng là cái tâm của người làm nghề. Có những bức thêu phải mất hàng năm trời mới hoàn thiện. Chỉ vào bức tranh “Thác - Hạc” đang thêu dở, nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan kể: “Có lúc để kịp giao đơn hàng, chúng tôi phải làm ngày làm đêm, có ngày phải làm liên tục mười mấy tiếng đồng hồ bên khung thêu. Như bức này, tôi đã thêu 7 tháng trời và đang cố gắng để xong trước Tết để kịp giao cho khách. Làm nghề này mà không say mê không theo được”.
Cơ sở thêu Hoan Tứ – Một trong các cơ sở thêu ở Xuân Nẻo vẫn giữ được nghề truyền thống, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tuổi ngoài 50. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN |
Cũng bằng tình yêu, tâm huyết với nghề thêu truyền thống, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Hòa đã gắn bó với nghề ngót 60 năm. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề, bà Hòa được bố dạy thêu cho từ năm lên 8 tuổi. Lớn lên, được Nhà nước cử đi học thêu, sau này, bà đi dạy thêu ở nhiều tỉnh. Năm 1975, sau khi lập gia đình, bà Hòa mở xưởng thêu. “Tranh thêu ở cơ sở tôi được làm bằng chỉ tơ thêu trên vải lụa tơ tằm, màu sắc và đường nét tinh tế ở từng chi tiết nhỏ đã chiếm được sự ưa chuộng của thị trường Nhật”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa giới thiệu. Thực tế, mấy năm gần đây, Nhật là một thị trường ổn định giúp doanh thu năm 2016 của cơ sở này đạt khoảng trên 600 triệu đồng, năm 2017 ước khoảng 1 tỷ đồng. “Tôi yêu cái nghề này lắm. Làm nghề thêu cũng là làm đẹp cho đời. Mỗi một bức sau khi thêu xong được người dùng yêu chuộng, tôi thấy rất phấn khởi. Để có bức thêu đẹp, người thợ vừa phải khéo tay, vừa phải dồn tâm trí khi thêu, sản phẩm mới sống động, có hồn”, bà Hòa kể với ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Trăn trở nỗi lo mất nghề
Với mong mỏi giữ lấy nghề truyền thống của quê hương, các nghệ nhân vô cùng mừng vui, sẵn lòng hướng dẫn cho những ai muốn học thêu. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan vừa trực tiếp làm, vừa dạy nghề cho những chị em khác để khi có đơn hàng, đây cũng là đội ngũ lao động thời vụ nhận sản phẩm về thêu tại nhà. Nghệ nhân Phạm Thị Hòa còn mở lớp dạy thêu miễn phí cho người khuyết tật. “Tôi thấy phấn khởi vì mình đã truyền được nghề cho các cháu, giúp các cháu không chỉ nuôi được bản thân mà còn nuôi được con cái, chăm lo gia đình”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa không giấu nổi niềm vui.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hoan (người phía trước) miệt mài bên khung thêu. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN |
Làm nghề với tất cả tình yêu, sự tự hào, nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan và Phạm Thị Hòa đã tạo việc làm cho nhiều người địa phương. Cơ sở thêu Hoan- Tứ hiện nay tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động nữ trong xã đều đã ngoài 50 tuổi. Còn cơ sở sản xuất của nghệ nhân Phạm Thị Hòa duy trì 20 lao động thường xuyên, 80 lao động thời vụ nhận sản phẩm về làm tại nhà. Mỗi lao động thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Chị Mai Thị Linh, một thợ thêu đã học nghề ở đây từ năm 2002 cho biết: “Cô Hòa rất tâm huyết với nghề. Sự tận tâm hướng dẫn của cô khiến chúng tôi cũng muốn theo nghề. Càng làm càng biết thêm tinh hoa của nghề thêu, tôi càng yêu thích”.
Tuy nhiên, tương lai làng nghề vẫn là trăn trở lớn nhất của các nghệ nhân. “Bây giờ tôi cũng già rồi, không làm được lâu nữa. Thanh niên giờ thì chỉ thích đi công nhân công ty vì làm thêu ngày công thấp, lương công nhân cao hơn. Tôi rất lo một ngày nào đó, nếu lớp trẻ không làm nghề này nữa là làng mất nghề. Nghề này quý lắm, mất đi thì rất tiếc”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa thở dài, chùng giọng.
Thực tế những năm qua, trước áp lực của kinh tế thị trường, nhiều người Xuân Nẻo tuy biết nghề nhưng cũng đành bỏ, rẽ hướng sang nghề khác. Theo ông Nguyễn Hữu Chín, cán bộ văn hóa xã Hưng Đạo, trong bối cảnh đó, những người như nghệ nhân Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thị Hòa rất đáng quý bởi vì họ đã giúp giữ lửa cho nghề truyền thống của cha ông. Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm thêu Xuân Nẻo vẫn khó khăn. Người dân nơi đây rất mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, giúp cho sản phẩm thêu của địa phương mở rộng thị trường. Chỉ khi có thị trường tốt, ổn định, thu nhập cho người thợ được cải thiện, động viên lớp trẻ gắn bó với nghề, từ đó mong gìn giữ được nghề quý của cha ông để lại.
Mạnh Minh
TTXVN