Từ ngày 7 -11/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam năm 2022 tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ. Hoạt động nằm trong khuôn khổ "Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022" nhằm tôn vinh sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Ông Bùi Kỳ Đà, Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm trưng bày 100 hình ảnh và hơn 200 tài liệu, hiện vật phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc, vùng miền trong cả nước; trong đó đề cao loại hình nhạc cụ truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam.
Nhạc cụ truyền thống là tài sản quý của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Qua quá trình lịch sử, các thế hệ đã gìn giữ và chuyển giao cho con cháu bảo tồn, phát huy một kho tàng di sản văn hóa được kết tinh từ đời sống tinh thần phong phú, tiếp tục sáng tạo những giá trị văn hóa mới trong cuộc sống đương đại.
Tham quan Triển lãm, du khách sẽ có dịp tìm hiểu nhiều loại hình nhạc cụ truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là nhạc cụ được sử dụng trong các loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ).
Tại triển lãm, vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giới thiệu các loại nhạc cụ như: sáo, đàn nhị, mõ, phách, trống, kèn loa, đàn bầu, đàn nguyệt gắn với loại hình nghệ thuật rối nước, chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ, ca trù... Nhạc cụ các dân tộc vùng núi cao phía Bắc độc đáo và đặc sắc với khèn, sáo của người Mông. Vùng Duyên hải miền Trung với trống Parnưng, trống Ghi năng, kèn Saranai... Các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có dàn nhạc cồng chiêng, kèn sừng trâu, đàn T'rưng, khèn bầu, đàn đá, đàn ống tre, sáo đinh năm, lục lạc... Vùng đồng bằng Nam Bộ đặc sắc, tiêu biểu với dàn nhạc ngũ âm thường dùng trong các nghi lễ quan trọng, lễ hội tại các ngôi chùa của dân tộc Khmer cùng đàn kìm, đàn ghi ta, đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn tranh, sáo.
Triển lãm là dịp để các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của thành phố Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.
Trong khuôn khổ triển lãm còn có Chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống và dân gian đương đại; trình diễn nhạc cụ dân tộc, dân ca dân vũ tiêu biểu của các vùng miền trên cả nước.
Ánh Tuyết