Giao đất trồng rừng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Mỡ

Phú Mỡ là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), với 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm trước đây, Phú Mỡ là “điểm nóng” về tình trạng người dân phá rừng để lấy đất sản xuất. Chính quyền địa phương đã thực hiện chủ trương giao đất rừng nhằm hạn chế tình trạng trên và tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất lâu dài.

vna_potal_dong_xuan_phu_yen_giao_dat_rung_san_xuat_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so__7598141.jpg
Người dân ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) chăm sóc cây keo trên diện tích đất rừng đã được giao. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Xã Phú Mỡ hiện có 906 hộ (3.253 khẩu), trong đó có 582 hộ nghèo, 118 hộ cận nghèo. Đây cũng là địa phương có diện tích rừng lớn của huyện Đồng Xuân với hơn 34.000ha. Năm 2020, Phú Mỡ trở thành “điểm nóng” của tỉnh Phú Yên về việc phá rừng. Nguyên nhân của tình trạng này là do đời sống của người dân còn nghèo, chưa có đất sản xuất, hiểu biết pháp luật của đồng bào còn hạn chế. Huyện ủy Đồng Xuân đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/HU về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp góp phần giữ rừng ở xã Phú Mỡ.

Hơn 4 năm trước, gia đình anh La Lan Khơi ở thôn Phú Tiến không có đất sản xuất. Nay gia đình anh đã được giao đất với diện tích 2ha để trồng keo. Sau hai năm trồng và chăm sóc, cây keo giờ đã khép tán và chuẩn bị cho thu hoạch trong 3 năm tới. Anh Khơi dự tính từ nguồn thu nhập bán rẫy keo này cộng với tiền tiết kiệm sẽ đủ kinh phí xây dựng căn nhà mới.

vna_potal_dong_xuan_phu_yen_giao_dat_rung_san_xuat_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so__7598161.jpg
Người dân thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) chăm sóc cây keo trên diện tích đất rừng đã được giao. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Cũng là hộ gia đình được giao đất sản xuất, anh La Lan Thanh ở thôn Phú Lợi đã trồng 3ha keo. Anh Thanh vui vẻ chia sẻ: Có đất sản xuất người dân yên tâm hơn vì không phải đi làm thuê; có thể trồng keo, trồng sắn, lúa rẫy. Cây nào có hiệu quả kinh tế cao thì đồng bào sẽ làm theo hướng dẫn của cán bộ xã. Chủ trương giao đất của Nhà nước cho người dân sản xuất rất thiết thực và mang lại hiệu quả lâu dài… Khi có thu nhập, người dân không còn vào rừng chặt cây, phát dọn cây cối lấy đất trồng sắn như trước…

Từ năm 2020 đến nay, UBND xã Phú Mỡ và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân đã thực hiện giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ rừng tại các thôn: Phú Giang, Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Hải, Phú Đồng với diện tích 25.095ha. Bên cạnh đó, UBND huyện đã giao đất rừng sản xuất (Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số hộ được giao đất sản xuất là 107 hộ với diện tích hơn 300ha. Hầu hết các diện tích này được người dân tập trung trồng cây keo lai để phát triển kinh tế.

vna_potal_dong_xuan_phu_yen_giao_dat_rung_san_xuat_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so__7598150.jpg
Đa phần trên diện tích đất rừng đã được giao, người dân xã Phú Mỡ tập trung trồng và chăm sóc cây keo. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Huyện sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất rừng do UBND xã Phú Mỡ quản lý để giao đất cho người dân thiếu đất. Dự kiến trong giai đoạn 2025-2030, huyện thực hiện giao đất sản xuất với diện tích khoảng 400-500ha; qua đó giúp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ có tư liệu sản xuất và tạo sinh kế bền vững. Chủ trương này cũng nhằm bảo vệ và phát triển diện tích rừng, nâng cao độ che phủ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng đầu nguồn sông Kỳ Lộ.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm