Gian nan câu chuyện đưa sản phẩm hợp tác xã lên sàn

Quang cảnh chương trình tọa đàm trực tuyến “Diễn đàn nông nghiệp 4.0” với chủ đề “Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản” tại điểm cầu tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Quang cảnh chương trình tọa đàm trực tuyến “Diễn đàn nông nghiệp 4.0” với chủ đề “Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản” tại điểm cầu tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 kéo dài làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến. Chính vì vậy, thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế lớn trong lĩnh vực bán lẻ và trở thành sân chơi cho hợp tác xã trong việc tiếp cận khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng, câu chuyện đưa hàng hoá của hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử lại không hề đơn giản.

Gian nan câu chuyện đưa sản phẩm hợp tác xã lên sàn ảnh 1Quang cảnh chương trình tọa đàm trực tuyến “Diễn đàn nông nghiệp 4.0” với chủ đề “Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản” tại điểm cầu tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Chật vật tìm đầu ra

Ông Lưu Văn Nhiệm - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm cho biết, đón đầu xu thế thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp, thời gian qua hợp tác xã đã đầu tư cơ sở vật chất và thay đổi hướng đi nhằm đưa sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng nhanh nhất.

Bởi vậy, dù dịch COVID-19 kéo dài nhưng doanh thu của hợp tác xã vẫn luôn được đảm bảo, lượng hàng tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử tăng mạnh. Đây là động lực tiếp sức cho các xã viên của hợp tác xã trong thời điểm này.

Thế nhưng, ở một góc khác vẫn còn khá nhiều mô hình đang chật vật trong việc đưa sản phẩm của hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử. Đơn cử như Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ hữu cơ An Lỗ (Thừa Thiên- Huế) đã đưa sản phẩm gạo hữu cơ lên một số sàn thương mại điện tử, Facebook. Dù đã hơn một năm nhưng lượng đơn đặt hàng qua sàn thương mại điện tử vẫn còn rất khiêm tốn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ba - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ hữu cơ An Lỗ cho hay: Cũng bởi quy mô của hợp tác xã quá nhỏ, kèm với đó là khả năng tài chính hạn hẹp khiến quá trình đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng thương mại điện tử của hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, việc bán hàng thông qua thương mại điện tử của hợp tác xã hiện chủ yếu là dừng ở việc báo giá, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả. Hơn nữa, phần lớn khách hàng của hợp tác xã hiện nay là đến tận nơi mua sản phẩm.

Đây chỉ là một trong vô vàn những mô hình hợp tác xã đang phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình khi gắn liền với công nghệ số. Không ít trường hợp tiến hành đăng ký gian hàng trên sàn đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xác thực và nhận được phản hồi từ phía các sàn thương mại điện tử.

Ông Trần An Định - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện tại, trên 70% hợp tác xã có quy mô vốn nhỏ dưới 1 tỷ đồng nên khó tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Còn theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, tỷ lệ hợp tác xã của tỉnh sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, kết nối nhóm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao.

Đặc biệt, số lượng hợp tác xã ứng dụng các phần mềm kế toán, phần mềm khai thuế, quản lý sản xuất, hóa đơn điện tử, chữ ký số, bán hàng còn ít.

Nguyên nhân do năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của hợp tác xã còn hạn chế, trong khi đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng chiếm tỷ lệ rất ít; hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, thậm chí nhiều hợp tác xã chưa có máy tính, thiết bị kết nối internet.

Chủ động nắm bắt

Thống kê của các sàn thương mại điện tử cho thấy, từ đầu năm 2020 tới nay, lượt truy cập của người dùng trên các sàn thương mại điện tử đạt trung bình tới 30 triệu lượt/tháng; riêng Shopee đạt trên 40 triệu lượt truy cập/tháng.

Do đó, nếu các hợp tác xã phát triển kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử cùng lúc thì sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng miễn phí mỗi tháng ở mức độ cao.

Đặc biệt, tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021 bằng tốc độ của 5-6 năm trở lại đây cộng lại. Bởi thế, việc phát triển kinh doanh, buôn bán theo hình thức thương mại điện tử là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, để hợp tác xã nắm bắt được xu thế này, các chuyên gia cho rằng các sàn thương mại điện tử cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế và nhu cầu truy cập lớn hiện nay.

Mặt khác, các sàn thương mại điện tử cần đơn giản hóa quá trình đăng ký gian hàng, xem xét giảm thiểu các giấy tờ và giảm thời gian giao hàng để hạn chế tình trạng khách bỏ dở đơn hàng.

Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) nhấn mạnh: Để đưa mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi hợp tác xã phát triển thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, các sàn thương mại điện tử cần tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã về việc đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Về phía các hợp tác xã cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử.

Bởi kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.

Nhằm tận dụng lợi thế về bán hàng trên các trang thương mại điện tử, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Trước mắt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ làm việc với các địa phương xem các hợp tác xã đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực, công nghệ thông tin, khả năng về chất lượng và số lượng hàng hóa.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo các hợp tác xã này một cách chuyên nghiệp, sau đó sẽ từng bước nhân rộng trên cả nước để sản phẩm của hợp tác xã từng bước lên sàn thương mại điện tử thành công.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm