Giám sát 45.000 người nhập cảnh từ nơi có dịch MERS-CoV

Giám sát 45.000 người nhập cảnh từ nơi có dịch MERS-CoV
Diễn tập tình huống tiếp nhận bệnh nhân nhiễm MERS. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Diễn tập tình huống tiếp nhận bệnh nhân nhiễm MERS. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Các chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế. Dịch có khả năng lan truyền quốc tế nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn dẫn đến nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh MERS-CoV. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc, Thái Lan và các quốc gia Trung Đông. 
 
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, ngày 24/6/2015, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm MERS-CoV ngoài bệnh viện; đây là ca bệnh thứ 175. Ca bệnh này có thể đã lây nhiễm khi ở cùng nhà với người vợ đã nhiễm bệnh và tử vong do MERS-CoV trước đó.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế Việt Nam đã tăng cường và duy trì giám sát thường xuyên các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh vào Việt Nam từ các vùng có dịch; có phương án cách ly, vận chuyển tới các cơ sở y tế đã chỉ định. Các đơn vị kiểm dịch y tế hiện đang sử dụng khoảng 45 máy do thân nhiệt từ xa để giám sát hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với hành khách đến từ các nước Trung Đông, Bahrain, Hàn Quốc tại tất cả các cửa khẩu quốc tế. Đến nay, hệ thống giám sát trong cả nước đã giám sát khoảng 45.000 người đến từ khu vực có dịp nhập cảnh vào Việt Nam. 
Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường giám sát đối với tất cả các trường hợp viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân, những người có triệu chứng giống MERS-CoV và có tiền sử vừa đi về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày. Từ đầu năm 2015 đến nay, ngành y tế đã lấy 65 mẫu xét nghiệm. Tất cả đều có kết quả âm tính với MERS-CoV. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân tuyến thu dung, điều trị bệnh nhân, chỉ định danh sách các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập; đồng thời có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng; tập huấn về phòng chống nhiễm khuẩn cho các cán bộ y tế làm công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân. 
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Việt Nam hiện đã có đủ khả năng chẩn đoán xác định vi rút gây bệnh MERS-CoV. Đến nay, nước ta đã có 8 viện, bệnh viện có khả năng xét nghiệm sàng lọc xác định MERS-CoV gồm: Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Cần Thơ. 
Thời gian tới, ngành y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh, áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến từ vùng dịch; tăng cường giám sát tại cộng đồng, khu công nghiệp, khu chế suất, khách sạn nơi có đông khách nước ngoài làm việc, lưu trú; giám sát tại cơ sở y tế, đặc biệt là đối với những trường hợp có hội chứng viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân và có tiền sử trở về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày. Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường giám sát trọng điểm với các trường hợp có hội chứng cúm chưa rõ nguyên nhân để lấy mẫu xét nghiệm; củng cố các đội đáp ứng nhanh; đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, không lo lắng hoang mang, chủ động khai báo và biết cách phòng chống bệnh; tăng cường hoạt động chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện... 
Phát biểu tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Giải pháp hiện nay để phòng chống sự xâm nhập dịch MERS-CoV vào nước ta là giám sát ngay từ cửa khẩu, sân bay; tiếp tục triển khai tờ khai y tế đối với những hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch; đồng thời, phát tờ hướng dẫn truyền thông tại sân bay và cộng đồng. 
Bộ trưởng đề nghị, trong giai đoạn này, tại các cơ sở y tế phải có phòng khám bệnh riêng cho bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp với đường đi riêng và được điều trị tại một phòng riêng. Điều quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị cách ly và chống nhiễm khuẩn từ người bệnh sang cán bộ y tế, từ người bệnh sang người nhà, từ người bệnh sang người bệnh. Ngành y tế tiếp tục tập huấn cho 100% cán bộ y tế khoa lây, khoa nhiễm tại các bệnh viện Nhi, các bệnh viện tỉnh về chẩn đoán cách ly, chống nhiễm khuẩn chéo; đồng thời, tăng cường hoạt động khử khuẩn trong bệnh viện.

Có thể bạn quan tâm