Với điểm xuất phát nền kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, trình độ dân trí không đều, gây không ít khó khăn khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ triển khai kịp thời chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng, trúng mục tiêu, chỉ sau 10 năm Phú Thọ đã cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc về trình độ phát triển. Làm cách nào để vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về những giải pháp tỉnh Phú Thọ triển khai hiệu quả chương trình.
Bài 1- Khơi dậy khát vọng thoát nghèo
Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và suy nghĩ không muốn thoát nghèo của không ít người dân đã khiến cho công tác giảm nghèo gặp khó khăn. Nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo là cách làm của tỉnh Phú Thọ, giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nhiều địa phương bước ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đem lại sức sống mới vùng ở quê nghèo.
Không muốn “gắn mác” nghèo
Toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị, trong đó có 10 huyện miền núi, 72 xã, 224 thôn bản đặc biệt khó khăn và an toàn khu. Với dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, 70% sống ở khu vực miền núi, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 21%. Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Phú Thọ có 41.050 hộ nghèo, chiếm 10,51% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 13.625 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 33%; số hộ cận nghèo còn trên 31.377 hộ.
Xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, trước kia đều là nhà tranh tre vách đất, không có điện lưới, trường học tạm bợ, đường sá chủ yếu là cấp phối, sỏi đá gồ ghề. Cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn, vất vả, chủ yếu trông chờ vào trồng lúa và cây lâm nghiệp. Khi xã có chủ trương thoát nghèo từ vùng III lên vùng II, nhiều người dân không hưởng ứng vì sợ rằng sẽ mất một số quyền lợi mà những vùng đặc biệt khó khăn được hưởng.
Để thay đổi nhận thức, xã đã kiên trì tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng hộ dân, các tổ chức hội như nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ và đoàn thanh niên của xã, bản đã xây dựng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ đoàn kết giúp nhau vượt khó xóa đói giảm nghèo”… trong đó cán bộ, đảng viên, người có uy tín là những người đi tiên phong. Nhờ vậy, nhận thức của người dân đã phần nào thay đổi. Bên cạnh đó, xã thắt chặt công tác rà soát hộ nghèo, phát huy tính dân chủ trong bình xét hộ nghèo tránh trình trạng bỏ sót hoặc xét sai đối tượng.
Bà con đã hiểu đúng chủ trương. Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn xã xuất hiện càng nhiều. Nhiều hộ khó khăn đã mạnh dạn chuyển hướng giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thay vì chỉ trồng cây nguyên liệu và xuất bán thô, nhiều hộ đầu tư xây xưởng chế biến gỗ bóc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nhiều mô hình trồng chuối phấn vàng và bưởi diễn có quy mô lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Nhờ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo 30% (năm 2010), đến nay giảm còn 12,5%. Thu nhập của nhân dân nâng từ 8,5 triệu đồng (năm 2010) lên 28,5 triệu đồng (năm 2020). Ngoài ra, người dân tự nguyện hiến đất và tiền bạc, ngày công để cứng hóa nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã; quyên góp xây dựng nhà văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần. Sau nhiều năm nỗ lực, xã đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đang phấn đấu vươn lên thoát khỏi xã nghèo của huyện.
Trước kia tại xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, khi họp bình xét hộ nghèo tại khu dân cư, không ít hộ đòi hoặc xin vào hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Để xóa bỏ tử tưởng không muốn thoát nghèo, khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu, xã niêm yết danh sách hộ được xét hộ nghèo và cận nghèo tại nhà văn hóa khu dân cư và trụ sở xã để người dân biết, tự đánh giá, nếu thấy có hộ nào không phù hợp có ý kiến lại với xã để xã có phương án giải quyết. Cách làm này đã tác động đến lòng tự trọng của người dân, nhiều người đã tự giác viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại chỉ tiêu cho hộ khác và tự vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Đức, khu Chùa Bộ, có 5 nhân khẩu và là hộ cận nghèo từ năm 2014 đến nay, kinh tế gia đình chỉ trông vào làm ruộng. Không muốn “gắn” mãi mác nghèo, anh bàn bạc với vợ con vay mượn anh em họ hàng đầu tư mua công nông và máy bừa về để làm thuê, có thêm thu nhập. Đến nay, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn trước anh Đức quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã để nhường sự hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn. Lãnh đạo xã Sơn Nga cho biết, trong đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, toàn xã có 12 hộ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Các hộ này không hẳn vì đã thực sự hết khó khăn, thiếu thốn mà vì nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên; ý thức trong việc sẻ chia hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình đã viết đơn xin thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ cho biết, nhờ những nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động đến nay, 198 hộ đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân tự mình vươn lên xóa nghèo, bước ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đem lại sức sống mới cho nhiều vùng quê nghèo.
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ cho biết, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tháng 12/2020, địa bàn tỉnh vẫn có 18.004 hộ nghèo, chiếm 4,34%; tổng số hộ cận nghèo là 19.020 hộ, chiếm 4,58%. Một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ còn cao là do nhiều hộ dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo hoặc “thích nghèo” để hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.
Để “đánh thức” khát vọng thoát nghèo, tỉnh Phú Thọ đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2015-2020, Phú Thọ đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt. Tỉnh mở rộng các cơ sở bảo trợ xã hội nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tiến hành rà soát, đánh giá lại việc bình xét hộ nghèo đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan; tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện và đưa các chính sách giảm nghèo đến các hộ dân.
Đồng thời, tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông tại cơ sở cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản; cấp phát ấn phẩm, tời rơi về cẩm nang truyền thông về công tác giảm nghèo đến từng người dân vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Thu Hương, sau 10 năm triển khai chương trình giảm nghèo bền vững tại tỉnh, chuyển biến rõ nhất trong giai đoạn 2016-2020 là nhận thức của cán bộ và nhân dân về giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều được nâng lên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, khu nghèo, xã nghèo đã thay đổi, thay vào đó là tinh thần, khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. (Còn tiếp)
Lâm Đào An