Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu là mục tiêu đạt ra trong thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có cách làm hay mang lại hiệu quả để giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn.
Dễ làm trước, khó làm sau
Trong khi nhiều địa phương khác sau khi đạt chuẩn nông thôn mới thường thỏa mãn, lơ là hoặc buông lỏng, chưa nghiêm túc trong việc tiếp tục thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thì cũng có không ít địa phương lại bắt tay ngay vào việc xây dựng các phương án và đề ra các giải để nâng chuẩn, thêm chuẩn.
Đến khu dân cư số 18 xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy những ngày này, ai cũng thấy những đổi thay lớn, trong thôn đường làng, ngõ xóm đều đã được nâng cấp thành đường bê tông; cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp, có cây xanh bóng mát, hoa nở ven lối đi.
Ông Đinh Xuân Tình, Bí thư Chi bộ khu 18 cho biết, khu có 141 hộ với 651 khẩu, 95% là người dân tộc Mường, sau khi được chọn để xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, chi bộ, bà con trong khu đã đồng thuận đăng ký với xã thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn mới kiểu mẫu. Các gia đình, đoàn thể đều đăng ký thực hiện bằng những mô hình, phần việc thiết thực.
Với phương châm tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; việc nào thuộc về nhân dân thì gia đình, dòng họ đảm nhiệm; việc nào thuộc tập thể thì phát động cả hệ thống cùng vào cuộc. Từ những cách làm sáng tạo, khu đã nhận được nhiều đóng góp tiền của, ngày công để chỉnh trang, nâng cấp các hạng mục, thiết chế văn hóa. Đến nay, 100% các tuyến đường trong khu, đường ra đồng được cứng hóa.
Hiện chỉ còn tiêu chí thu nhập chưa đạt, khu đang vận động, tuyên truyền nhân dân tập phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, tận dụng diện tích đất nông, lâm nghiệp để trồng rừng, trồng chè và cây lương thực; đưa vào gieo trồng các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2021, khu sẽ đạt danh hiệu nông thôn kiểu mẫu.
Với phương châm "Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi đón nhận xã nông thôn mới vào cuối năm 2019, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê đã triển khai ngay những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, với đích đến là nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt kiểu mẫu.
Ông Hà Huy Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tình cho biết, năm 2020 xã được huyện Cẩm Khê chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngay sau khi đón nhận danh hiệu nông thôn mới, xã đã vận động bà con thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình vườn mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, mở các ngành nghề, dịch vụ nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, xã đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng mới để nâng cấp, cải tạo các công trình kết cấu hạ tầng, giao thông theo hướng hiện đại; nhanh chóng triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…
Sau hơn một năm triển khai, xã đã hoàn thành 11/17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, đã có một khu có bản đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2024 xã sẽ đạt nông thôn mới nâng cao.
Quan điểm “chậm mà chắc” xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập lên kế hoạch đến năm 2025 đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Xã đã xây dựng kế hoạch và phương án cụ thế phù hợp với thực tế địa phương, với tinh thân nhà nước và nhân dân cùng làm.
Chỉ thời gian ngắn đã huy động khoảng một tỷ đồng từ người dân để xây dựng hội trường nhà văn hóa tại những khu còn thiếu, trồng hoa ở các trục đường chính, lặp đặt đường điện thắp sáng tại đường làng, ngõ xóm; xây dựng khu tập kết xử lý rác thải.
Nhờ vậy nhiều khu dân cư đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm; trên 97% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 100%; 100% chất thải rắn, rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 92%, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực.
Sau 13 năm triển khai chương trình, đến nay toàn tỉnh có 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 51%; 1.249/2.040 khu dân cư nông thôn mới. Các huyện Lâm Thao và Thanh Thủy, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Phú Thọ vẫn đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh mới có 8 khu được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; chưa có xã đạt nông thôn nông cao, kiểu mẫu.
Giải pháp lâu dài nâng chuẩn
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 Phú Thọ phấn đấu toàn tỉnh có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 1.736/2.040 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; 6/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để xây dựng nông thôn mới thực sự hiệu quả, thời gian tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Ngành chú trọng xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng đặc sản theo chương tình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu; ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, khuyến doanh nghiệp, cá nhân thuê đất người dân đầu tư sản xuất tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn.
“Sở cũng tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để giải quyết tiêu thụ nông sản cho nông dân… để xây dựng nông thôn mới nâng cao thực chất, bền vững”, ông Trần Tú Anh nói.
Theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khối lượng công việc trong giai đoạn tới còn rất lớn, tỉnh đang khẩn chương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục rà soát đánh giá lại các tiêu chí đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên cơ sở bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020; đồng thời, xây dựng kế hoạch giải pháp cụ thể duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với những xã đã đạt chuẩn trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, huyện nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội…
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường huy động đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho xây dựng nông thôn mới; tiếp tục bố trí nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương được giao, nguồn vốn ngân sách địa phương cho các xã đã đạt chuẩn để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ dành trên 10.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình là 1.500 tỷ đồng, chiếm 14,7%; vốn ngân sách nhà nước đầu tư lồng ghép thực hiện chương trình là 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 3.000 tỷ đồng, chiếm 29,4% và nguồn vốn khác trên 3.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình.
Lâm Đào An