Tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội quyết nghị ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng (bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng); Vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa , đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, Nghị quyết nêu rõ: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Ngoài ra, bố trí vốn hỗ trợ các Chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình theo nguyên tắc: Năm 2021 tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ như giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2022 - 2025, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới), thực hiện theo nguyên tắc: Ngân sách trung ương không hỗ trợ các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi); Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó: ưu tiên hỗ trợ các địa phương miền núi, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên. Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.
Căn cứ tổng mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt; ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư để thực hiện Chương trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân. Hằng năm, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Chương trình theo đúng trình tự được quy định tại Luật Đầu tư công; ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền; chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo các địa phương thực hiện cân đối, huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình.
Quốc hội giao Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Chương trình trên địa bàn, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
TTXVN