Yên Bái phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới

Già làng Giàng Vàng Ly tuyên truyền vận động bà con thay đổi tập quán lạc hậu. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Già làng Giàng Vàng Ly tuyên truyền vận động bà con thay đổi tập quán lạc hậu. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Là địa phương dẫn đầu của tỉnh Yên Bái trong công tác giảm nghèo, trung bình mỗi năm, huyện Mù Cang Chải giảm trên 8,6% tỷ lệ hộ nghèo, vượt cao so với mục tiêu của tỉnh. Kết quả đó có được, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, còn có sự đóng góp rất lớn của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cộng đồng trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Yên Bái phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới ảnh 1Già làng Giàng Vàng Ly tích cực tuyên truyền vận động người dân chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Nỗ lực vì cuộc sống của người dân

Bản Lao Chải là một trong 14 bản người Mông của xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, quanh năm mây mù bao phủ. Cuộc sống của người dân những năm trở về trước rất khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo cao, tập quán canh tác lạc hậu cùng nhiều hủ tục đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức của người dân. Thế nhưng, già làng Giàng Vàng Ly - người có uy tín trong cộng đồng đã làm thay đổi bản làng ấy, đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho dân bản.

Hơn chục năm qua, những bước chân của già làng Giàng Vàng Ly đã đi khắp các con đường, ngõ xóm của bản Lao Chải, đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Cách nay 10 năm trở về trước, 100% hộ dân của bản Lao Chải là hộ nghèo, tập quán canh tác sản xuất lạc hậu nên thiếu đói quanh năm, già làng Giàng Vàng Ly đã vận động bà con trồng thêm cây vụ đông, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất và trồng thêm cây thảo quả, cây sơn tra và sa nhân. Cùng với đó là mở rộng chăn nuôi gia súc, chú trọng những loại giống bản địa cho giá trị kinh tế cao. Từ chỗ còn phụ thuộc vào việc hỗ trợ giống của Nhà nước, giờ đây, bà con trong bản đã chủ động được nguồn giống lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, 100% hộ dân trong bản là hộ nghèo, nay cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 triệu đồng/năm.

Với sự kính trọng khi nói về những công lao của già làng Giàng Vàng Lỳ, chị Giàng Thị Của, bản Lao Chải chia sẻ: “Dân bản xưa không biết trồng cây vụ đông, cuộc sống vất vả và khổ lắm, thiếu đói quanh năm. Khi được già làng Giàng Vàng Ly chỉ cách trồng thêm lúa, làm chuồng trại nuôi thêm gia súc, cuộc sống của người dân trong bản khấm khá hơn rất nhiều. Giờ nhà nào cũng thóc lúa đầy nhà, trâu bò lợn gà đầy chuồng".

Yên Bái phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới ảnh 2Bản Lao Chải có nhiều đổi thay, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Anh Hờ A Sênh, người dân trong bản cho biết thêm: “Nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn của già làng Giàng Vàng Ly, bà con bản biết cách tự phát triển kinh tế gia đình, đời sống được nâng lên. Diện mạo bản làng đã khang trang hơn rất nhiều, bản có đường bê tông, các hộ dân trong bản lại có cả xe máy, đi lại rất là tiện. Cuộc sống của bà con đã đổi khác so với trước đây, con cái được đi học chữ đầy đủ, người già được ăn no, mặc ấm. Những thành quả như vậy có đóng góp rất lớn của già làng Giàng Vàng Ly”.

Nằm cách xa trung tâm huyện Mù Cang Chải, trước đây, để lên được tới bản Lao Chải phải đi qua đoạn đường dốc đá, trời mưa trơn trượt, lầy lội khiến việc giao thương, học hành của bà con trong bản bị hạn chế. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông, với uy tín của mình, già làng Giàng Vàng Ly đã vận động bà con trong bản tự nguyện hiến đất làm đường. Gia đình ông cũng gương mẫu hiến một phần đất để mở rộng đường lên trên bản. Nhờ đó, bà con đều nghe theo. Giờ đây, tất cả các con đường lên bản Lao Chải đều được bê tông hóa, trẻ em đi học thuận tiện, các mặt hàng nông sản như lúa ngô, thảo quả, sơn tra hay gia súc được vận chuyển giao thương dễ dàng.

Trưởng bản Lao Chải Cứ A Vông cho biết: “Già làng Giàng Vàng Ly là người có uy tín, ông luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ, vận động bà con ở đây làm kinh tế. Ngoài ra, ông còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện những nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát động dân hiến công, hiến đất mở đường giao thông để đi lại dễ dàng hơn. Chính vì thế, người dân ở đây ai cũng tin tưởng và nghe theo ông”.

Với đồng bào Mông, tục thách cưới cao, tổ chức ma chay kéo dài và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại bao đời nay, ăn sâu, bén rễ vào trong tiềm thức của mỗi người. Nhận thấy những hủ tục này vừa tốn kém, vừa khiến cho cuộc sống của người dân cứ quanh quẩn với đói nghèo và lạc hậu, già làng Giàng Vàng Ly đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản xóa bỏ hủ tục, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Dù là việc rất khó khăn nhưng bằng sự kiên trì cùng sự gương mẫu của bản thân và gia đình, già làng Giàng Vàng Ly đã thuyết phục được bà con nghe theo, làm theo. Giờ đây người dân bản Lao Chải đã bỏ tục thách cưới cao, đám ma cũng không tổ chức dài ngày. Mọi nghi lễ đều được làm ngắn gọn, tiết kiệm. Đặc biệt, bản còn trở thành bản tiêu biểu khi không có trường hợp nào tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong bản không có người nghiện ma túy.

Già làng Giàng Vàng Ly chia sẻ: “Người dân bản mình trước đây đã khổ nhiều rồi nên mình không muốn bà con khổ mãi. Ban đầu, vận động họ rất khó nên mình phải tuyên truyền cho các già làng, trưởng dòng họ trước. Khi họ thấy các việc mình làm đúng, sẽ khuyên con cháu làm theo. Gia đình mình trồng thảo quả, nuôi trâu bò, lợn gà bán được nhiều tiền, bà con thấy vậy cũng học theo. Cuộc sống của người dân trong bản đã khá hơn trước nhiều rồi, có nhà bán được 200 triệu đồng tiền thảo quả mỗi năm, nhà ít cũng vài chục triệu đồng”.

Yên Bái phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới ảnh 3Già làng Giàng Vàng Ly tuyên truyền vận động bà con thay đổi tập quán lạc hậu. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Người tiên phong trong các hoạt động của bản làng

Bản Lao Chải hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Từ chỗ là bản nghèo, đặc biệt khó khăn, giờ đây 157 hộ dân trong bản đang chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới để đưa Lao Chải trở thành một trong hai bản điểm của xã với 11/15 tiêu chí đã hoàn thành. Qua đó, góp phần đưa Lao Chải trở thành xã đi đầu của huyện Mù Cang Chải trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có được nhờ sự đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng như già làng Giàng Vàng Ly.

Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải Giàng A Hù cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ trong cộng đồng của bản như già làng Giàng Vàng Ly đã tích cực cùng với cấp ủy chính quyền tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước tới nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là trong việc xóa nhà tạm và làm đường, già làng Giàng Vàng Ly là cá nhân tiêu biểu, thường xuyên phối hợp cùng với trưởng bản, bí thư chi bộ trực tiếp đi đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân.

Huyện vùng cao Mù Cang Chải hiện có trên 200 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Phát huy vai trò của mình, họ đã cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Đặc biệt, những người có uy tín như già làng Giàng Vàng Ly đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và vận động cử tri đi bầu đủ, bầu sớm trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần đưa Mù Cang Chải trở thành huyện có tỷ lệ đi bầu cử cao nhất trong toàn tỉnh Yên Bái với 100% cử tri tham gia.

Những đóng góp của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng như ông Giàng Vàng Ly trong việc vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống và thực hiện những nếp sống văn minh là tiền đề quan trọng để Mù Cang Chải phấn đấu trở thành huyện du lịch và cơ bản không còn là huyện nghèo vào năm 2025.

Tuấn Anh - Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm