A Blong - "Già làng" trong lòng cộng đồng dân tộc Rơ Măm

A Blong - "Già làng" trong lòng cộng đồng dân tộc Rơ Măm

Rơ Măm là một cộng đồng dân tộc ít người, sinh sống tập trung tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Với người dân nơi đây, ông A Blong (65 tuổi) được xem như một "già làng trong lòng dân" vì đã giúp cho cộng đồng dân tộc Rơ Măm nhận thức rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ông A Blong cũng góp công lớn trong việc xóa bỏ những hủ tục, tệ nạn trong cộng đồng và góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, nâng cao phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

A Blong - "Già làng" trong lòng cộng đồng dân tộc Rơ Măm ảnh 1Ông A Blong (giữa) cùng đại diện chính quyền địa phương tuyên truyền đến các hộ dân về chính sách mới. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Trước đây, ông A Blong từng tham gia bộ đội với cấp bậc Trung sĩ. Sau khi ra quân, ông về làm việc tại bưu điện và chuyển sang dạy học tại địa phương. Ông A Blong chia sẻ: “Thời tôi mới về làm tại bưu điện, trong làng có rất ít người biết chữ, dân trí thấp, cái đói, cái nghèo luôn bao trùm nơi đây. Do đó, tôi cùng cán bộ xã lặn lội đường xa đến gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt là trẻ em đi học. Thời gian đầu, công tác vận động gặp nhiều khó khăn do người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học”.

Dù gặp nhiều khó khăn, ông A Blong vẫn kiên trì ngày đêm, động viên từng người dân đến trường để học chữ, nâng cao dân trí trong cộng đồng. Dần dần bà con nơi đây cũng ý thức và hiểu được chỉ có đi học mới có thể thoát nghèo nên đã cho con em đến trường. Nhờ sự tâm huyết và nhiệt tình trong sự nghiệp trồng người, ông A Blong từng bước giúp người dân trong làng hiểu và viết được chữ quốc ngữ. Giờ đây, tất cả con em đồng bào Rơ Măm đều được đi học, học sinh được cấp sách vở, thẻ bảo hiểm y tế và có nhiều em đỗ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

Là một trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người, đồng bào Rơ Măm hiện cư trú tập trung tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm tỉnh khoảng 103 km, thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn và nằm sát biên giới. Cộng đồng người Rơ Măm hiện có khoảng 178 hộ với 543 nhân khẩu đang sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng cao su, mì (sắn) và dệt vải.

Những năm trước đây, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Rơ Măm trên địa bàn xã Mô Rai gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn nhiều yếu kém; các hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp ở trình độ thấp, người dân chưa tiếp cận với tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nên chậm phát triển…

Ông A Yer - Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) cho biết, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai Quyết định 2086/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025. Trong đó, tỉnh tập trung hỗ trợ về cây giống, trâu, bò, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân trên địa bàn; từ đó góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm trên mọi khía cạnh, lĩnh vực, giúp giảm hộ nghèo tại xã xuống chỉ còn 31 hộ.

Ông A Blong như một "chiếc cầu nối" giữa chính quyền và người dân, là người tiên phong trong các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Gia đình ông hiện trồng hơn 4 ha cây cao su, lúa và có hơn 1.000 m2 nuôi cá, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông luôn vận động, khuyến khích người dân học tập các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi áp dụng công nghệ cao nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con.

Chị Y Đầm (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) chia sẻ, ông A Blong luôn động viên đồng bào trồng cây ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, gia cầm; đồng thời khuyến khích bà con học tập kinh nghiệm trồng, khai thác cây công nghiệp để phát triển kinh tế. Giờ đây, trong làng đã có nhiều gia đình có được thu nhập cao nhờ trồng cây cao su, cà phê. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong làng ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên trở thành hộ khá, giàu trong cộng đồng.

Bên cạnh việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của làng Le, ông A Blong cũng luôn đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân tộc Rơ Măm. Hiện người Rơ Măm chỉ duy trì những lễ hội quan trọng như: lễ mừng lúa mới, lễ mở cửa kho lúa, lễ bỏ mả... Những văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm như: làm cây Nêu truyền thống, dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, múa cồng chiêng, múa xoang... cũng được ông A Blong truyền đạt cho thế hệ trẻ.

Ông A Blong chia sẻ, cộng đồng dân tộc Rơ Măm phát triển được như ngày nay là nhờ người dân trong làng luôn một lòng với Đảng và học theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp; tất cả người dân đều đã có điện và nước sạch để dùng; nhiều gia đình khá giả hơn còn có xe công nông, xe tải phục vụ lao động sản xuất vươn lên làm giàu; mọi người luôn sống rất đoàn kết, yêu thương nhau. Đặc biệt hơn, trong mỗi nhà đều treo ảnh Bác Hồ để bày tỏ lòng biết ơn với Người.

Với những đóng góp của mình, ông A Blong đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 và nhiều bằng khen cấp bộ, tỉnh… Ông A Blong là người duy nhất của dân tộc Rơ Măm vinh dự được tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 sắp tới.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm