Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải: Phương án khả thi dành cho doanh nghiệp do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Công ty tài chính quốc tế (IFC) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/8.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, trong hợp tác kinh tế, thương mại, không ai mong muốn xảy ra tranh chấp, tuy nhiên đây là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt.

Việc lựa chọn phương án giải quyết những bất đồng, tranh chấp sẽ tác động trực tiếp đến quan hệ hợp tác giữa hai bên, trong đó sử dụng trọng tài và hòa giải thương mại được cho là phương án khả thi giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và duy trì được mối quan hệ với đối tác.
 
Hòa giải và sử dụng trọng tài thương mại giải quyết những tranh chấp thương mại cũng là giải pháp được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích sử dụng nhằm giảm tải cho tòa án trong việc xử lý án kinh tế hiện nay.
 
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng đưa lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng làm phát sinh nhiều bất đồng, tranh chấp trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tòa án các cấp đã tiếp nhận, giải quyết hơn 100.000 vụ án kinh tế và hiện vẫn đang quá tải trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp thương mại.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải thương mại còn khá thấp, chưa tới 1% trong tổng số các vụ tranh chấp thương mại. Điều này khiến việc giải quyết các tranh chấp kinh tế  bị kéo dài, gây tốn kém thời gian, chi phí, trì trệ hoạt động của các doanh nghiệp.
 
Theo ông Trần Ngọc Liêm, lợi thế của việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải hoặc trọng tài là khả năng thực thi cao dựa theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài. Trong khi đó các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài được giải quyết thông qua phán quyết của tòa án nhưng chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì tỷ lệ thi hành án rất thấp.
 
Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho biết, giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại và hòa giải  là phương án giải quyết tranh chấp mang tính lựa chọn của các doanh nghiệp.
Đại biểu tham gia ý kiếm tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Đại biểu tham gia ý kiếm tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Đây cũng là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn như là một phương thức giải quyết tranh chấp mới hiệu quả. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại được dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên, tạo sự chủ động cho cả hai bên. Doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn phương thức giải quyết, lựa chọn trọng tài viên, nền tảng pháp luật và cả ngôn ngữ khi hòa giải.
 
Thêm vào đó, thủ tục đơn giản và thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn đáng kể so với tòa án, hiệu lực phán quyết của trọng tài thương mại cũng sẽ có hiệu lực pháp luật ngay.
Các chuyên gia thảo luận ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Các chuyên gia thảo luận ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Tuy nhiên, ông Phan Trọng Đạt cũng lưu ý để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì trong các hợp đồng kinh tế, thương mại phải có điều khoản “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại”.

Do đó, để hạn chế các bất đồng, tranh chấp và giải quyết tranh chấp một cách nhẹ nhàng, ngay từ đầu doanh nghiệp phải có ý thức về pháp luật hợp đồng. Các điều khoản về phương pháp, công cụ giải quyết tranh chấp trong hợp đồng càng cụ thể, càng rõ ràng thì việc giải quyết càng đơn giản và tiết kiệm./.
 Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm