Giải Nobel Vật lý năm 2020 được Uỷ ban Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) công bố chiều 6/10 (theo giờ Việt Nam) thuộc về 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn và giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ.
Nhà khoa học Roger Penrose, sinh năm 1931, đến từ Đại học Oxford (Anh) nhận một nửa giải thưởng năm nay nhờ việc sử dụng các công cụ toán học để chứng minh sự hình thành của hố đen đã được dự đoán theo thuyết tương đối tổng quát. Trong khi, một nửa giải thưởng thuộc về 2 nhà khoa học Reinhard Genzel, sinh năm 1952, từ Viện Vật lý ngoài Trái Đất Max Planck (Đức) và nhà khoa học nữ Andrea Ghez, sinh năm 1965, từ Đại học California, Los Angeles (Mỹ) nhờ phát hiện "vật thể vô hình và cực nặng chi phối quỹ đạo của các ngôi sao ở trung tâm dải thiên hà".
Ba nhà khoa học cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý 2020 nhờ những phát hiện về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ - đó là hố đen. Nhà khoa học Roger Penrose đã chứng minh từ thuyết tương đối tổng quát có thể dự báo sự hình thành của hố đen. Trong khi đó, 2 nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện ra vật thể siêu nặng và không quan sát được chi phối các quỹ đạo của các ngôi sao tại trung tâm của dải thiên hà và cách lý giải duy nhất hiện nay là sự tồn tại của một hố đen siêu lớn.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý David Haviland đánh giá những phát hiện của các nhà khoa học đạt giải năm nay đã đặt nền móng cho nghiên cứu về các vật thể đặc và siêu nặng.
Năm ngoái, giải Nobel Vật lý 2019 đã được trao cho 3 nhà khoa học, trong đó một nửa giải thưởng thuộc về nhà khoa học người Mỹ gốc Canada James Peebles với các phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học, và nửa còn lại thuộc về 2 nhà khoa học người Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz với các phát hiện về ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.
Sau giải Nobel Vật lý, chủ nhân của các giải Nobel Hóa học, Nobel Văn học, Nobel Hòa bình và Nobel Kinh tế sẽ lần lượt được công bố trong các ngày 7/10, 8/10, 9/10 và 12/10 tới. Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh. Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lễ trao các giải Nobel y học, vật lý, hóa học, văn học và kinh tế theo truyền thống ở Stockholm không thể diễn ra. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Trong khi đó, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12 tới do tình hình dịch COVID-19.
Lê Ánh