Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài cuối)

Gian hàng giới thiệu sản phẩm lạp xưởng gác bếp Hà Giang trong Lễ hội “Nông sản đặc sản vùng miền 2023” được tổ chức tháng 4/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Gian hàng giới thiệu sản phẩm lạp xưởng gác bếp Hà Giang trong Lễ hội “Nông sản đặc sản vùng miền 2023” được tổ chức tháng 4/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Bài 5 (Bài cuối): Xúc tiến thương mại từ sớm và từ xa

Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, giảm cầu từ ảnh hưởng hậu dịch COVID-19, tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn. Từ kinh nghiệm trong thời điểm đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2023, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã làm xúc tiến thương mại. Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhằm nhìn nhận thực trạng và bàn luận về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời gian tới.

Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài cuối) ảnh 1Gian hàng giới thiệu sản phẩm lạp xưởng gác bếp Hà Giang trong Lễ hội “Nông sản đặc sản vùng miền 2023” được tổ chức tháng 4/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

* Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn hiện hữu nhiều khó khăn do tổng cầu trên thế giới suy giảm, Bộ Công Thương đã có những điều chỉnh thế nào trong xúc tiến thương mại hỗ trợ nông sản, thưa Cục trưởng?

- Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và đơn vị liên quan tập trung triển khai phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, đảm bảo hai nguyên tắc từ sớm và từ xa.

Theo đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương, hiệp hội ngành hàng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản nhiều tháng trước mùa vụ. Cùng đó, coi thị trường trong nước là nền tảng song song với duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Riêng với nông sản, năm nay Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kết nối giao thương theo nhóm sản phẩm mà nhiều địa phương cùng cung ứng như trái vải và nhãn; các loại quả có múi; xoài; thanh long…và nhóm thị trường kết hợp với đẩy mạnh quảng bá.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã hỗ trợ từng địa phương cho từng sự kiện cả về kinh phí cũng như chuyển giao kỹ thuật nghiệp vụ. Đến nay, các địa phương đã chủ động kết nối với Thương vụ tại thị trường mục tiêu theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến như Đồng Tháp, Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên… xúc tiến thương mại sản phẩm thế mạnh.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tập trung xúc tiến cho từng nhóm sản phẩm, tổ chức và vận động địa phương tham gia tổ chức xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng/miền, quy mô lớn.

Mặt khác, duy trì phát triển thị trường Trung Quốc, không chỉ vùng giáp biên giới mà tiếp cận tỉnh/thành sâu trong nội địa phía Bắc và Tây còn nhiều dư địa để khai thác.

Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Quốc bài bản hơn, qua đó chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bền vững.

Bên cạnh Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu mở cửa thị trường, nông sản mới tại thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Ngoài ra, cạnh tranh bằng chất lượng ngay trên thị trường ASEAN như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia…

Đặc biệt, Cục sẽ triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, hướng đến nhiều đối tượng như: hội chợ, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với sự kiện văn hóa - du lịch lớn, nhất là chuỗi chương trình kết nối giao thương trực tiếp; tăng cường xúc tiến tiêu thụ mặt hàng nông sản mùa vụ của địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

Hơn nữa, việc quảng bá sản phẩm/ngành hàng được Bộ Công Thương quan tâm lồng ghép như quảng bá nông sản địa phương trong lễ hội văn hóa Việt Nam ở Tokyo Nhật Bản; quảng bá kết nối ở Paris (Pháp) và hội chợ CA Expo Trung Quốc; quảng bá ở Anh, Australia, Đức, Hungary và Hoa Kỳ.

Năm nay, Bộ Công Thương cũng chủ động đón đoàn nước ngoài vào Việt Nam giao thương mua hàng từ sớm. Cùng đó, đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam như: Aeon; Lotte; Mega Market; Big C; Decathlon…nhằm thúc đẩy việc thu mua, tiêu thụ nông sản.

Giải bài toán tiêu thụ nông sản (Bài cuối) ảnh 2Huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hiện có trên 7.500 ha trồng cây nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 và nhãn thiết miền; sản lượng năm 2023 ước đạt trên 70.000 tấn. Từ việc trồng nhãn, nhiều gia đình có thu lãi vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Toàn huyện đã được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, với diện tích gần 500 ha. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN

* Qua nhiều năm đồng hành, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, Cục trưởng nhận định thế nào về vai trò và thách thức trong việc mở rộng tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa?

- Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, nội địa vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng với nông sản. Do vậy, việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước không những góp phần tăng vị thế của nông sản, doanh nghiệp Việt mà còn tạo đà vươn ra thị trường nước ngoài.

Với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thị trường nội địa có rất nhiều tiềm năng, là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bởi xét ở khía cạnh cung cầu, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp không tuân thủ quy hoạch, chưa theo tín hiệu thị trường dẫn đến tình trạng dư thừa, mất giá. Ngược lại, khi thị trường có nhu cầu, được giá lại không có sản phẩm để bán.

Thị trường nội địa từng là cứu cánh cho doanh nghiệp khi xuất khẩu khó khăn nhưng việc thêm nhiều "người chơi" cũng khiến mức độ cạnh tranh trên thương trường bị đẩy lên cao hơn. Do đó, nông sản Việt phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.

Việc thay đổi tâm lý "chuộng hàng ngoại" của người tiêu dùng cần tuyên truyền rộng rãi hơn nhằm nâng cao nhận thức về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm Việt Nam. Qua đó, khích lệ tinh thần ủng hộ hàng Việt cũng như khuyến khích thông tin phản biện để hàng Việt phát triển bền vững.

Hiện nay, xúc tiến thương mại còn khó khăn do nhiều địa phương thiếu cơ sở hạ tầng để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia. Hơn nữa, tính liên kết chưa chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng dẫn đến nguồn lực bị dàn trải, chồng chéo.

* Xuất phát từ thực tế thị trường và thách thức đặt ra, xin Cục trưởng cho biết Bộ Công Thương có giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với ngành công thương, Bộ Công Thương đã thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả thị trường trong nước.

Ngoài ra, Bộ chú trọng chương trình khuyến khích tiêu dùng, kết nối cung cầu đưa hàng nông sản Việt tiêu thụ qua hệ thống phân phối lớn; tuyên truyền quảng bá, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Đặc biệt, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử, thương mại đa kênh; chủ động chuẩn bị kết nối, xúc tiến tiêu thụ trong nước cho các mặt hàng, nhất là nông sản có tính mùa vụ.

Đi liền đó, Bộ Công Thương sẽ đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu nông sản có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Đồng thời, tận dụng cơ hội của mặt hàng có lợi thế như gạo, rau quả... để bù đắp lại mặt hàng còn gặp khó khăn.

Bên cạnh duy trì thị trường và mặt hàng truyền thống, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển thị trường ASEAN, Trung Quốc, thị trường tiềm năng như Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt vươn xa, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Bộ hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; thu thập thông tin thị trường, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp…

Mặt khác, nâng cao xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài vào chế biến, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Bộ Công Thương hy vọng với các giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng tốc xuất khẩu mặt hàng chủ lực sẽ góp phần khơi thông thị trường đầu ra cho nông sản Việt Nam những tháng cuối năm. (Hết)

* Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Uyên Hương (Thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm