Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Khánh Hòa ngày càng được nâng cao. Góp phần lớn trong kết quả này là vai trò của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Ông Cao Thiên (sinh năm 1950) – cán bộ hưu trí, người dân tộc Raglai ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang, huyện miền núi Khánh Vĩnh, là một trong những cá nhân vừa được tuyên dương là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ông khẳng định đồng bào Raglai ở xã ngày nay hiện đại, tiếp cận thông tin trên mạng internet, hiểu rất rõ giá trị của đất. Do đó, khi có chủ trương mở tuyến đường vào khu sản xuất, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, nhiều hộ vẫn còn e dè, từ chối. Ông Thiên đã cùng nhiều già làng, người uy tín khác trong xã đi vận động. “Lúc đầu, quả thực là rất khó khăn, vì liên quan đến việc đất đang có giá trị, hiến làm đường thì không có tiền. Sau này khi được giải thích có đường sẽ giúp bà con đi vào khu sản xuất thuận lợi, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, các hộ trong thôn có đường đi qua đều đồng thuận hiến đất”, ông Cao Thiên cho biết.
Ông Thiên cùng với những già làng, trưởng bản thường xuyên đến giao lưu văn hóa cùng thanh niên địa phương, kể cho họ nghe những câu chuyện huyền thoại về đời sống của người Raglai và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ học tập, giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc. Ông Cao Thiên trước khi nghỉ hưu là cán bộ xã, do đó với đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo và cả không có đạo, ông Thiên thường xuyên tuyên truyền để bà con nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, cảnh giác trước các thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động giáo dân, gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương. Những năm qua, trên địa bàn xã Liên Sang không có trường hợp nào vi phạm pháp luật, đồng bào sống hòa đồng, vui vẻ, hạnh phúc. Toàn xã có 425/487 đạt danh hiệu Gia đình văn hóa năm 2021.
Sống chan hòa với nhân dân, ông Cao Thiên được đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tin tưởng, trở thành “cầu nối” với chính quyền khi có những điều khó trình bày, giải quyết trực tiếp. Điển hình là việc vận động con em bỏ học trở lại trường học. Ông Thiên cũng là "cánh tay nối dài" giữa các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo và ngân hàng chính sách khi cho họ vay vốn phát triển sản xuất.
Ở huyện miền núi Khánh Sơn, nơi kinh tế còn nhiều khó khăn, trẻ em bỏ học, tảo hôn vẫn còn là vấn nạn. Những người có uy tín, già làng, trưởng bản người dân tộc thiểu số đã thấu hiểu và đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn. Bà Tro Thị Kẽm, người dân tộc Raglai (sinh năm 1957) ở xã Ba Cụm Bắc kể, trẻ vị thành niên tảo hôn đã giảm hẳn so với 10 năm trước đây. “Các cháu cũng trên 16 tuổi nên việc tuyên truyền, vận động các cháu hiểu về hậu quả của tảo hôn khá khó khăn. Nhiều cháu gái vẫn chưa hiểu hết về việc làm mẹ lúc còn nhỏ tuổi... Chúng tôi chuyển hướng vận động phụ huynh của các cháu”, bà Tro Thị Kẽm chia sẻ.
Để không xảy ra việc bỏ học, tảo hôn, những người có uy tín, trưởng thôn, già làng của xã đã chủ động đến từng nhà có con gái, con trai đang tuổi dậy thì hoặc những cháu học sinh bỏ học để tuyên truyền, vận động rất hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, xã Ba Cụm Bắc chưa ghi nhận trường hợp nào tảo hôn. Công tác ở Hội Phụ nữ xã trước khi nghỉ hưu, bà Tro Thị Kẽm có mối quan hệ mật thiết với các phụ nữ trong xã, trong thôn. Nhà nào có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đau ốm bệnh tật, bà Tro Thị Kẽm đều kịp thời nắm được thông tin và thăm hỏi, kêu gọi giúp đỡ kịp thời.
Khác với hai huyện miền núi nói trên, thị xã Ninh Hòa có địa hình đầy đủ cả đồng bằng, biển và đồi núi. Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, kinh tế chủ yếu dựa vào làm rẫy với những cây trồng thu nhập thấp. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chung của Nhà nước chuyển đổi cây trồng vật nuôi, bà con nơi đây đã tự chủ vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ lẫn nhau.
Anh Cao Truyền, dân tộc Raglai (sinh năm 1975), Trưởng thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, từng là Bí thư Chi đoàn thôn Suối Sâu, nên anh nắm rất rõ đặc điểm, tình hình kinh tế của mỗi thanh niên trong thôn. Anh Truyền cho rằng phần lớn số thanh niên đều bỏ quê lên phố tìm việc làm nhưng không hiệu quả. Những năm gần đây, họ trở lại quê hương, anh đã vận động họ trồng các cây hoa màu cho thu nhập cao, trồng keo lấy gỗ, lúa nước thay vì các loại cây trồng kém hiệu quả như trước đây. Nhờ đó, trên địa bàn thôn, đời sống người dân khá giả hơn, giờ không còn nhà tranh tre, nứa lá. Không chỉ thanh niên mà người dân của thôn đều biết cách làm ăn chân chính, chăm lo cho gia đình, giảm thiểu tình trạng rượu chè sau mỗi buổi lên rẫy, con cái của họ cũng được chăm lo học hành đầy đủ.
Ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, diện mạo của các vùng dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 2-3%/ năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/ năm trở lên, các huyện nghèo giảm 5-6%/ năm trở lên. Những thành tựu này đạt được là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tự thân vận động của mỗi đồng bào, trong đó những người có uy tín, già làng, trưởng bản đóng vai trò nòng cốt. Họ gần gũi với đồng bào, đóng góp công sức, trí tuệ và góp phần hỗ trợ cộng đồng trong suốt thời gian qua.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 35 dân tộc thiểu số đang sinh sống với trên 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Raglai. Những năm qua, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt, kết cấu hạ tầng được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi thay da đổi thịt, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 28,9%.
Phan Sáu