Già làng - "cầu nối" tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19

Già làng, người uy tín ở huyện Phú Riềng đến tận thôn đồng bào thiểu số để tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Già làng, người uy tín ở huyện Phú Riềng đến tận thôn đồng bào thiểu số để tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Nhằm chung tay phòng, chống dịch COVID-19, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, cùng với chính quyền địa phương, vai trò của già làng, người có uy tín đã được phát huy hiệu quả.

Già làng - "cầu nối" tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Già làng, người uy tín ở huyện Phú Riềng đến tận thôn đồng bào thiểu số để tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Sau khi dịch bùng phát và xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước vào cuối tháng 6, lực lượng chức năng địa phương đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều biện pháp nhằm giúp người dân thực hiện phòng, chống dịch, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như pano, qua loa truyền thanh... những già làng đã trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn các quy định phòng, chống dịch. Người uy tín, già làng còn vận động bà con bằng tiếng S’tiêng, Khmer…cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời nắm bắt diễn biến dịch bệnh và thực hiện nghiêm các quy định.

Từ khi dịch bùng phát, già làng Điểu Sơn, thôn 6, xã Long Tân, Phú Riềng liên tục tuyên truyền cho bà con thực hiện nhiều biện pháp phòng, tránh dịch bệnh. “ Là già làng. tôi luôn có trách nhiệm vận động nhân dân chấp hành tốt. Đầu tiên, gia đình của mình và con cháu phải làm gương thực hiện. Từ đó, bà con noi theo và chấp hành rất tốt”.

Theo già làng Điểu Sơn, ở vùng đông đồng bào thiểu số, xã còn tuyên truyền trên loa phát thanh 1 ngày phát 3 lần, 5 nội dung tuyên truyền lần bằng tiếng S’tiêng, Khmer để bà con tuân theo các Chỉ thị, văn bản về phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình hình dịp bệnh phức tạp, người dân hầu hết nhận thức được sự nguy hiểm của dịch COVID-19. Khi được già làng Điểu Sơn tới tuyên truyền và nghe qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Điểu Ngắt ở thôn 6, đã chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch. Thời gian gần đây, ông cùng các con, cháu hạn chế ra khỏi nhà, cạo vỏ lụa điều để có thêm thu nhập. Đồng thời, ông khuyên bảo con của mình đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh không trở về nhà, thực hiện nghiêm việc “ai ở đâu, ở yên đấy”, tránh lây lan dịch bệnh trong lúc di chuyển.

Nhờ việc triển khai tuyên truyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, người có uy tín, hầu hết bà con điều tuân thủ hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết để cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số trường hợp vẫn chưa thực hiện tốt các bện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được chính quyền địa phương, nhất là người uy tín trực tiếp đến các hộ nhắc nhở thực hiện tốt hơn. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Già làng Điểu Krá thôn Bù Gia Phúc 2, Phú Nghĩa, huyện biên giới Bù Gia Mập đã không ngại mưa gió để tuyên truyền cho bà con về các quy định của nhà nước: “Trong thời gian bùng phát dịch trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, trong thôn, xã, nhiều người chấp hành rất tốt các quy định về phòng, chống dịch , song vẫn có một số người chưa rõ. Chúng tôi trực tiếp tuyên truyền lại nhiều lần để họ hiểu rõ và thực hiện nghiêm phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng và xã hội”, già làng Điểu Krá chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Tạ Hồng Quảng cho biết: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài lồng ghép thực hiện chung, cần đến tận nơi, bằng nhiều hình thức kết hợp với già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc. Qua đó, để những người này tuyên truyền cho bà con cho thiết thực và hiệu quả hơn.

Nhiều thôn đông đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước đã phát huy vai trò của người có uy tín, già làng trong tuyên truyền, vận động bà con cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời nắm bắt diễn biến dịch bệnh để biết cách phòng tránh, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm