Nhà Ga Đà Lạt năm 1939 |
Ga Đà Lạt được xây dựng hoàn tất vào năm 1933 theo đồ án của các kiến trúc sư người Pháp là Revéron và Moncet.
Theo gợi ý của nhà cầm quyền Pháp thời bấy giờ thì nhà Ga phải hội đủ điều kiện kỹ thuật và mặt tiền của Ga phải thiết kế như thế nào đó để cho hành khách khi lên xuống tàu có cảm giác đây là một nhà Ga mùa hè. Nhưng sau khi vẽ đồ án Ga Đà Lạt, ngoài ý của chính quyền như đã nói trên, hai kiến trúc sư Revéron và Moncet đã đưa vào đồ án ý nghĩa ngộ nghĩnh của mình là muốn gợi cho du khách đến Đà Lạt ý niệm: dãy Langbiang với ba đỉnh cao đón mời du khách từ khi bước chân xuống tàu. Chiếc đồng hồ đặt trên “đỉnh núi” ở mặt tiền nhà Ga tượng trưng cho thời gian bác sỹ Yersin chinh phục cao nguyên Lâm Viên mà ông đã ghi trong nhật ký.
Mặt sau nhà Ga, từ dãy hành lang nhìn ra là một đường hỏa xa chạy dài tượng trưng cho chí phiêu lưu tang bồng của Yersin. Bên trong nhà Ga nhìn lên là cả một khoảng không gian rộng lớn với các góc cạnh, đường nét ngay hàng thẳng lối, vừa uy nghi cao cả, cũng như vừa chân thật, giản dị như chính cuộc đời của Yersin (1).
Ngoài ra việc thiết kế trần nhà theo lối vòm cao, xung quanh có các ô kính màu vừa để trang trí vừa để tăng cường chiếu sáng cho nhà Ga, phòng bán vé, phòng khách, phòng nhận hàng…tạo thành một dãy dài nên không án ngữ và làm vướng mắt du khách. Đứng trong nhà Ga người ta có cảm giác như đứng trong lòng dãy núi cao ấm cúng, vui vẻ, tiếng ồn vang vọng tạo ra ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc khó quên trong buổi gặp mặt cũng như lúc chia tay.
Trên lớp tường đế bao quanh nhà Ga, ở chân cột trụ vòm cửa trước, cửa sau là những khóm hoa đỏ thắm, (một loài hoa có xuất xứ từ nước Pháp). Đứng ngoài nhìn vào ta có cảm giác như nhà Ga được đặt gọn trong một chậu hoa khổng lồ.
Về kiến trúc, nhà Ga Đà Lạt được thiết kế theo kiểu mái xuôi của vùng núi miền Trung nước Pháp(2)-vùng Massif Central, nên mái đủ độ dốc như sườn núi và rất hợp với vùng có nhiều mưa như Đà Lạt giúp thoát nước nhanh, khó bám rêu làm bẩn mái. Xung quanh có các ô kính chạy để luôn luôn đưa ánh sáng từ các hướng vào phòng Ga, nhờ vậy không bị tối tăm khi không có điện. Ngoài ra nhà Ga còn mang nét đặc thù riêng của Đà Lạt đó là kiến trúc mặt trước của nhà ga lấy hình dáng đỉnh núi cao của dãy Langbiang làm biểu trưng, đồng thời gợi nhớ kỷ niệm về Yersin- nhà bác học có nhiều đóng góp to lớn trong việc khám phá và xây dựng thành phố Đà Lạt.
Nhà Ga Đà Lạt còn là nhà Ga “cao nhất” Việt Nam vì nó nằm ở độ cao 1500m so với mặt biển.
Với lối kiến trúc độc đáo, Ga Đà Lạt được coi là nhà Ga đẹp nhất Đông Dương và cả nước Pháp thời bấy giờ. Hiện nay cùng với nhà Ga Hải Phòng, Ga Đà Lạt là nhà Ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.
Nhưng thật đáng tiếc nhà Ga đã ngừng hoạt động những năm 1970 do chiến tranh làm hỏng một số đoạn đường trên cung đường sắt răng cưa Đà Lạt- Tháp Chàm. Mãi tới tháng 9/ 1991 Liên hiệp Đường sắt khu vực III kết hợp với ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng mới khôi phục lại một đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 7km để tổ chức các chuyến du lịch ngắn ra ngoại ô bằng tàu hỏa phục vụ du khách đến Đà Lạt tham quan. Hiện nay hoạt động trên tuyến đường này có hai đầu máy hơi nước. Một do Nhật chế tạo năm 1941 và một do Liên Xô cũ chế tạo năm 1968.
Tàu hỏa vận hành trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm trong những năm 40 (Thế kỷ XX) |
“Như người đẹp ngủ quên trong rừng” được đánh thức sau giấc ngủ dài ngót 20 năm, Ga Đà Lạt lại bừng dậy nhộn nhịp đón khách vào ra. Hàng ngày từ 8h sáng đến 18h chiều, cứ một tiếng rưỡi lại có một chuyến tàu phục vụ khách du lịch ra ngoại ô ngoạn cảnh viếng chùa Linh Phước nổi tiếng.
Hy vọng một ngày gần đây, khi dự án phục hồi đoạn đường sắt răng cưa Đà Lạt-Tháp Chàm được phục hồi; ngoài chức năng vận chuyển hàng hóa thông thường giữa Tây Nguyên với miền biển, đây sẽ là những tour du lịch tàu hỏa tuyệt vời và độc đáo nhất thế giới mà ngoài nơi này chỉ có Thụy Sỹ mới có.
Du khách đến đây sẽ được đoàn tàu có móc đưa dần lên độ cao 1500m so với mặt biển. Rời vùng nhiệt đới nóng nực, xuyên qua những rừng thông bạt ngàn để đến với xứ sở hoa đào quang năm mát mẻ, ôn hòa.
(1),(2):theo diễn giải và đánh giá của các nhà nghiên cứu Trương Ngọc Xán và Lê Phỉ
Báo Lâm Đồng