Trẻ em giải nhiệt tránh nóng tại một đài phun nước ở Los Angeles, Mỹ ngày 24/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Trưởng nhóm nghiên cứu Florian Sevellec (Phlo-ri-ăng Xơ-ven-lếch) cùng các đồng nghiệp tại Đại học Brest (Pháp) đã áp dụng phương pháp mới có tên gọi PROCAST để đưa ra dự báo theo xác suất và cho kết quả chính xác tương đương với những mô hình khí hậu tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu trên cho thấy từ nay đến năm 2022, nhiệt độ Trái Đất sẽ nóng hơn so với dự báo khi biến đổi khí hậu do con người và do các yếu tố tự nhiên sẽ cùng tác động.
Nắng nóng gay gắt tại thủ đô Berlin, Đức ngày 3/8. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo ông Sevellec, giai đoạn ấm lên trên toàn cầu này sẽ góp phần biến đổi khí hậu trong dài hạn và dự kiến tiếp diễn trong ít nhất 5 năm. Các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến nhiệt độ đại dương, dự kiến tăng thêm 150%, từ đó gia tăng hoạt động của các cơn bão nhiệt đới.
Cảnh khô hạn tại một hồ chứa ở Naju, Hàn Quốc ngày 13/8. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất luôn dao động. Trong hơn 1 triệu năm qua, nhiệt độ Trái Đất thay đổi sau khoảng 100.000 năm và khí hậu hiện nay đang ở trong một đợt ấm áp giữa các thời kỳ băng giá và những giai đoạn ôn hòa. Trong 11.000 năm qua, những biến đổi này “cực kỳ khiêm tốn”, cho phép các loài động, thực vật sinh trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu do hoạt động của con người hay do hàng tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển, chủ yếu trong hơn một thế kỷ qua, đã vượt lên trên và hiện có nguy cơ “áp đảo” những biến đổi nhỏ của tự nhiên.
TTXVN