Ngày 25/11, tại thành phố Đà Nẵng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa - Thiên Huế tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Trường Sơn Xanh.
Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock cho hay, Dự án Trường Sơn Xanh được USAID cấp vốn vào năm 2016 và triển khai năm 2017. Dự án này có 3 nhiệm vụ chính: Tăng cường sử dụng đất phát thải thấp; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học; tăng khả năng thích ứng cho cộng đồng dễ bị tổn thương.
Sau 4 năm, Dự án Trường Sơn Xanh đã đầu tư 23,9 triệu đô-la Mỹ hỗ trợ hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Trong đó, USAID đã hỗ trợ tập huấn cho 15.254 người về cảnh quan bền vững, 9.669 người về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ cải thiện hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên đối với 512.000 ha rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Ngoài ra, USAID cũng giúp 13.387 người hưởng lợi về cải thiện sinh kế thông qua các hoạt động cảnh quan bền vững, 15.321 người được hưởng các lợi ích kinh tế gia tăng nhờ hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học được cải thiện; huy động 59,8 triệu đô-la Mỹ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khối tư nhân, cộng đồng cho việc phát triển chuỗi giá trị, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, các hoạt động phục hồi rừng.
“USAID rất vinh dự phối hợp với các đối tác tại Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế để thúc đẩy cam kết của 2 tỉnh này trong việc cải thiện sinh kế cho các cộng đồng miền núi, phát triển doanh nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và quản lý rừng. Thành công của Dự án Trường Sơn Xanh và sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND hai tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế trong việc thực hiện nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ", Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock chia sẻ.
Theo ông Yastishock, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế trong 5 năm tới, với Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và Dự án Quản lý rừng bền vững. Hai dự án mới này cho phép tiếp tục các phương thức tiếp cận rất hiệu quả đã được áp dụng trong khuôn khổ Dự án Trường Sơn Xanh, tạo ra các tác động tích cực ở các tỉnh và những cộng đồng khác tại Việt Nam.
Đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, trong thời gian thực hiện dự án Trường Sơn Xanh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước điều chỉnh một số chính sách quản lý phù hợp với các mục tiêu chiến lược về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự án đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống của đại đa số người dân trong tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, bộ phận người dân ở ven biển đầm phá, người nghèo, phụ nữ, trẻ em.
Theo đó, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án đã vượt mức 8 chỉ số chính gồm: 4,28/2,4 tấn các-bon được cố định, đạt 178%; 28/8 cơ quan được nâng cao năng lực, đạt 350%; 24,6/8 triệu USD được huy động cho các hoạt động cảnh quan bền vững, đạt 308%; 4.284/4.000 người được hưởng lợi về sinh kế từ các hoạt động liên quan cảnh quan bền vững, đạt 107%; 175.000/160.000 ha rừng có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và sinh cảnh được cải thiện về quản lý, đạt 109%; 7.201/4.000 người được tăng về lợi ích kinh tế liên quan đến hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, đạt 180%; 14.534/10.000 người được nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt 145%; 42/20 tổ chức được cải thiện năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, đạt 210%.
Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, tại địa phương, dự án triển khai ở 10 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh và Núi Thành. Qua gần 3 năm thực hiện, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự quyết tâm từ các cơ quan quản lý, địa phương, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả và mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Dự án đã vượt mức 6 chỉ số chính từ 135% đến 293% theo mục tiêu dự án và đạt một số kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Võ Văn Dũng