Khách tham quan các bộ mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Tường Vi - TTXVN |
Dự án được triển khai tại ba huyện Nam Đông, Quảng Điền và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 26,7 tỉ đồng. Dự án nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm các sản phẩm đặc trưng địa phương gồm cây dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ. Dự án sẽ hỗ trợ người dân địa phương kỹ thuật khai thác mây tự nhiên một cách bền vững cũng như quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu; nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, đa dạng hóa mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ cho các nhóm liên kết và hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng ba Trung tâm tinh hoa tại Huế; hỗ trợ các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm...
Các hoạt động này gắn liền với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dùng liên quan đến tiêu dùng có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Người tiêu dùng sẽ hiểu rõ việc mua và sử dụng sản phẩm đặc trưng của địa phương là đang góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số cũng như bảo vệ sự đa dạng sinh học của những cánh rừng tự nhiên ở địa phương. Dự án hướng tới tạo thu nhập trực tiếp cho khoảng 280 người; liên kết thị trường thành công cho một số hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thừa Thiên - Huế, có đóng góp cho Quỹ quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng tại địa phương.
Quang cảnh Lễ khởi động. Ảnh: Tường Vi - TTXVN |
Ông Võ Văn Dự, Trưởng ban Quản lý dự án Trường Sơn Xanh tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Tỉnh đã ban hành đề án sử dụng đất hiệu quả dưới tán rừng, trong đó có bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, người dân chưa có biện pháp cụ thể để sử dụng hiệu quả đất dưới tán rừng cũng như phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu. Đặc biệt, hàng thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn cũng gặp nhiều thách thức như khả năng cạnh tranh, hạn chế về đổi mới mẫu mã, thông tin thị trường và chiến lược xây dựng thương hiệu... Với phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, Dự án này giúp phát triển sinh kế cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần thúc đẩy Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó giúp giảm dần áp lực của con người lên rừng và tài nguyên rừng như, nạn săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản ngoài gỗ, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Thừa Thiên - Huế.
Trường Sơn Xanh là một dự án về môi trường của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án hỗ trợ chính quyền và người dân tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế nhằm góp phần tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện và tạo sinh kế thay thế bền vững, nâng cao khả năng thích ứng của các cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng.
Tường Vi