Ngày 30/5, tại khu vực Đại Nội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam phối hợp với Công ty Liên Minh Xanh và Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức hoạt động “Giới thiệu sản phẩm bền vững”. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được giới thiệu tới khách du lịch tại đây là kết quả của những khóa đào tạo kỹ thuật nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Các sản phẩm túi xách, mũ, quà lưu niệm, xà bông, dược liệu... của các hợp tác xã đã được giới thiệu dưới những gian hàng, khu vực trưng bày để người dân cùng đông đảo du khách đến Đại Nội Huế tìm hiểu, tham quan và mua sắm.
Bên cạnh đó, du khách còn được lắng nghe những câu chuyện từ bà con làm nghề thủ công mỹ nghệ đến từ các hợp tác xã, trải nghiệm cách tạo ra sản phẩm thủ công, có cơ hội tìm hiểu các loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng đang sinh sống ở trên dãy Trường Sơn.
Đến du lịch ở Đại Nội Huế và tình cờ tham gia trải nghiệm làm hộp từ mây tre, bạn Cao Thị Diệu Linh (22 tuổi, Nghệ An) cho biết, qua trải nghiệm bản thân biết được quy trình thực hiện những sản phẩm mây tre rất công phu và kì công.
Không những thế, Cao Thị Diệu Linh cũng tự hào hơn khi biết được việc mua ủng hộ các sản phẩm này có ý nghĩa đặc biệt, đóng góp phát triển nguồn sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số và giúp họ giảm thiếu áp lực lên rừng, phá bỏ nạn săn bắt thú rừng quý hiếm.
Từ 9/2019 đến nay, tiểu dự án “Sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ để phát triển sinh kế và giảm nạn săn bắt động vật hoang dã nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên – Huế” do Dự án Trường Sơn Xanh (USAID tài trợ) được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất – thương mại Liên Minh Xanh thực hiện tại 3 huyện Nam Đông, Quảng Điền và A Lưới.
Trước đây, hầu hết các bà con dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới chỉ biết may và dệt thổ cẩm theo cách truyền thống để tạo ra trang phục sử dụng hằng ngày. Đến nay, mọi thứ dần thay đổi, từ nguyên liệu, phương thức sản xuất đến thành phẩm; từ đó sinh kế của bà con cũng có nhiều cải thiện.
Tiểu dự án đã giúp các bà con huyện miền núi cao A Lưới biết may, kết hợp giữa 2 nguyên liệu vải và thổ cẩm; tạo nên nhiều mẫu mã mới, bắt mắt cho sản phẩm. “Kết hợp 2 nguyên liệu đó giúp chúng tôi tiết kiệm được nguyên liệu thổ cẩm truyền thống cũng như giảm được giá thành sản phẩm hợp lý.
Những mảnh vải thừa cũng được tận dụng làm phụ kiện và nhiều sản phẩm khác mà trước đây chúng tôi chưa làm được” – Bà Kê Thị Hạch, Tổ trưởng Tổ gia công Hợp tác xã Thổ cẩm xanh A Lưới chia sẻ.
Tương tự, từ số thành viên tham gia hạn chế, nay Hợp tác xã Mây tre Bao La (huyện Quảng Điền) đã có khoảng 100 chị em thành viên. Hầu hết các chị em phụ nữ đều thích thú với các sản phẩm mới mà mình làm ra. Họ được cán bộ tiểu dự án hướng dẫn cách làm đơn giản hơn để tạo ra đa dạng các sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Túi xách, thiệp và các sản phẩm mới khác của hợp tác xã đón nhận được nhiều tín hiệu phản hồi khả quan từ thị trường.
Các sản phẩm của các hợp tác xã tham gia tiểu dự án cũng được hỗ trợ giới thiệu, bày bán ở nhiều quốc gia. Mỗi sản phẩm bán ra sẽ đóng góp vào Quỹ quản lý rừng của cộng đồng với nhiều hoạt động như tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng...
Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam Nguyễn Bảo Thoa cho hay, người dân sống ven bìa rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế xưa nay sống phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Đó là những hoạt động khai thác kém bền vững, lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến nguồn động vật hoang dã và rừng cây địa phương.
Chính vì vậy, tiểu dự án dựa trên những sản phẩm từ cây dược liệu, thủ công mỹ nghệ sẵn có của địa phương nhằm giúp đỡ người dân có được công việc, nguồn sinh kế tốt hơn, bền vững thay vì tác động xấu lên thiên nhiên.
Mai Trang