Đồng vọng Kinh kỳ - kể chuyện Hà Nội xưa và nay bằng nghệ thuật

Đồng vọng Kinh kỳ - kể chuyện Hà Nội xưa và nay bằng nghệ thuật
Tối 19/10/2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Đồng vọng Kinh kỳ". Chương trình do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam xây dựng và biểu diễn chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2016). Chương trình cũng nằm trong chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Đồng vọng Kinh kỳ - kể chuyện Hà Nội xưa và nay bằng nghệ thuật ảnh 1
Chương trình "Đồng vọng Kinh kỳ" đã "kể" cho khán giả câu chuyện về Hà Nội xưa và nay. Ảnh: Quang Hà.
Đúng như tên gọi “Đồng vọng Kinh kỳ”, chương trình đã mang tới khán phòng những nhịp điệu vừa mang tính cổ điển với nhịp phách, tiếng đàn dân tộc mộc mạc, vừa đậm tính đương đại trong những ca khúc nhạc trẻ mang âm hưởng dân ca…

Ở phần mở đầu, với chủ đề “Thăng Long một thủa”, chương trình đưa khán giả trở về đất Kinh kỳ xưa. Sau những thăng trầm, giữa Kinh kỳ lại vang lên đồng vọng xưa và nay, cũ và mới, hòa quyện, chất ngất.
 
Đồng vọng Kinh kỳ - kể chuyện Hà Nội xưa và nay bằng nghệ thuật ảnh 2
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam và hợp ca biểu diễn tác phẩm "Khúc Sông Hồng" của Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ảnh: Quang Hà.

Cùng những giai điệu mang âm hương dân ca như “Thăng Long – văn hiến kinh kỳ” của nhạc sỹ Đức Trịnh, “Bên dòng sông Cái” của nhạc sỹ Phó Đức Phương, “Son” của Đức Nghĩa”, “Phật bà nghìn mắt nghìn tay” của nhạc sỹ An Thuyên, “Truyền thuyết Hồ Gươm” của Hoàng Phúc Thắng, “Chiều phủ Tây Hồ” của Phú Quang, “Khúc sông Hồng” của Lê Minh Sơn hay điệu múa ả đào của biên đạo múa Trần Ly Ly, phần 1 của chương trình “Đồng vọng Kinh kỳ” đã đưa người xem đến với những nhịp sênh phách một thủa chưa xa, một nhịp điệu vừa cổ điển, vừa trẻ trung vừa dùng dằng, vừa bay bổng.

Những giọt âm thanh nghiêng nghiêng nhịp sênh phách,cùng với sự hỗ trợ của màn hình 3D, đưa khán giả đến với những địa danh gắn với lịch sử Hà Nội. Một Văn Miếu uy nghiêm, trầm mặc, một Hồ Gươm bảng lảng với tháp Rùa ẩn hiện và mênh mang Hồ Tây sương khói… những nỗi niềm trầm luân mà bao triều đại đã trôi qua hiển hách.
 
Đồng vọng Kinh kỳ - kể chuyện Hà Nội xưa và nay bằng nghệ thuật ảnh 3
 Phần 2 của chương trình đưa khán giả trở lại Hà Nội của những ngày "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: Quang Hà

Với chủ đề “Thăng Long – Hà Nội - Một thời hoa lửa”, phần hai của chương trình khiến người xem có cảm giác như đang thực sự được “sống” trong không khí sôi động cùng Hà Nội anh hùng. Hai ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi và “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh, dưới sự hỗ trợ của màn hình 3D, đã đưa khán giả trở lại những ngày Cách mạng tháng Tám vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ thực dân, Hà Nội của những ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mùa đông 1946 chống thực dân Pháp, và một lần nữa, những người Hà Nội của thời đại Hồ Chí Minh lại bước vào một cuộc chiến đấu đầy kiêu hãnh. Cả trời thiêng Hà Nội vào trận, những ngày tháng Chạp năm 1972 quật ngã B52, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy toàn cầu…
 
Đồng vọng Kinh kỳ - kể chuyện Hà Nội xưa và nay bằng nghệ thuật ảnh 4
Phần cuối của chương trình có chủ đề "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" đưa khán giả đến với Hà Nội của hôm nay và "Việt Nam gấm hoa". Ảnh: Quang Hà.

Phần cuối chương trình có chủ đề “Hà Nội - thành phố vì hòa bình”, đã đưa người nghe trở lại với một Hà Nội của thủa vàng son. Qua các tác phẩm “Thu Hà Nội” của Cao Minh Khanh, “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường, “Hà Nội mùa thu” của nhạc sỹ Vũ Thanh, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sỹ Phan Nhân, “Hà Nội mười hai mùa hoa” của nhạc sỹ Giáng Son đã đưa khán giả đến với Hà Nội của hôm nay, đến với Hà Nội - thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố mãi mãi là niềm tin yêu, hy vọng.

Màn kết “Việt Nam gấm hoa” với những lời ca ca ngợi về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam đã khép lại một chương trình nghệ thuật đặc sắc, để lại những rung cảm sâu sắc trong lòng khán giả. 

Có thể bạn quan tâm