Đồng Tháp tăng lợi nhuận hoa màu từ 12 - 77 triệu đồng/ha

Chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng mướp đắng của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng mướp đắng của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Trong 6 tháng của năm 2023, Đồng Tháp xuống giống được 12.509 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Sản xuất ngành hàng hoa màu đạt 1.326 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 12 - 77 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng Tháp tăng lợi nhuận hoa màu từ 12 - 77 triệu đồng/ha ảnh 1Chuyển đổi cây trồng sang trồng mít ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, diện tích trồng ngô là 1.310 ha, giá thành sản xuất bình quân 3.689 đồng/kg, giá bán 7.500 đồng/kg và lợi nhuận đạt 38,9 triệu đồng/ha, tăng  hơn 12 triệu đồng/ha so năm 2022.

Diện tích gieo trồng khoai lang được 140 ha, giá thành sản xuất bình quân  khoai lang khoảng 7.433 đồng/kg, giá bán 10.500 đồng/kg, cho lợi nhuận tăng 77 triệu đồng/ha so với cùng kỳ 2022.

Huyện Châu Thành dẫn đầu diện tích gieo trồng khoai lang, chiếm 98,6% diện tích trồng của toàn tỉnh và tập trung nhiều nhất là ở các xã Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân; trong đó, giống khoai tím Nhật chiếm 85% với năng suất bình quân 34 tấn/ha.

Đồng Tháp tăng lợi nhuận hoa màu từ 12 - 77 triệu đồng/ha ảnh 2Chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng hoa màu ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Ông Võ Đình Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, để tăng lợi nhuận, huyện tập trung duy trì ổn định vùng quy hoạch khoai lang. Cùng đó, tập trung phát triển theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, gắn chế biến để phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống khoai lang; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm khoai lang Châu Thành. 
 
Trồng sen ở Đồng Tháp là một trong loại hoa màu tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2023 đạt ha, giá thành sản xuất 8.928 đồng/kg, giá bán 15.000 đồng/kg, cho lợi nhuận bình quân 24 triệu đồng/ha, tăng 18,2 triệu đồng/ha so năm 2022. 

Điển hình như anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười có 4 ha trồng sen thu gương, thu ngó, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng. Trồng sen ở Đồng Tháp hiện nay cho năng suất bình quân hơn 3 tấn/ha. Các sản phẩm từ sen ngày càng đa dạng, việc sản xuất hiện không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị. Hiện nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy... Từ đó, nâng cao giá trị của cây sen.

Đồng Tháp tăng lợi nhuận hoa màu từ 12 - 77 triệu đồng/ha ảnh 3Chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng mướp đắng của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Để nâng cao giá trị cho hoa màu và tăng lợi nhuận, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp được cấp 67 mã số vùng trồng rau màu, chủ yếu là khoai môn, kiệu, khoai lang, khoai từ với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 6,9 ha, chủ yếu là rau, quả thủy canh, nấm rơm...; diện tích được chứng nhận VietGAP là 107,9 ha, chủ yếu là khoai môn, nấm, khoai lang, củ kiệu....

Theo ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa màu sẽ cho lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần nên hiện nay tỉnh cho nhân rộng mô hình hiệu quả trong việc trong hoa màu.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm