Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có từ 57-68% cơ giới hóa khâu bơm tưới trên hoa màu và cây ăn trái trong mùa nắng năm 2023; các hộ nông dân áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn như: hệ thống tưới phun tự động, bán tự động và tưới nhỏ giọt. Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tiết kiệm được 10 lần so với tưới thông thường.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 8.481 hệ thống tưới các loại phục vụ cho hoa màu và cây ăn trái, trong đó có 58% cây ăn trái và hơn 68% hoa màu tưới tiêu bằng máy.
Nhiều nông dân ở làng hoa Sa Đéc đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động, cách làm này không chỉ giúp người trồng giảm chi phí thời gian mà về lâu dài tiết kiệm nguồn nước ngọt, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Anh Bùi Thanh Hưởng ở xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ 3.000 m2 đất trồng hoa kiểng. Nhờ đó với hàng chục ngàn giỏ hoa, kiểng các loại, giúp anh giảm chi phí trong sản xuất, giảm vất vả khi trồng hoa kiểng. Ông Hưởng cho biết, chi phí đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho 1.000 m2 đất, chi phí hơn 10 triệu đồng, có cả mô-tơ điện, đầu tư 1 lần là có thể sử dụng nhiều năm nên rất tiện lợi.
Hiện tại, làng hoa Sa Đéc đã có hơn 50% số hộ trồng hoa kiểng áp dụng phương pháp tưới phun tự động, bán tự động vào sản xuất hoa kiểng. Theo tính toán của người trồng hoa, so với thuê nhân công tưới thì việc tưới phun có thể giảm chi phí đến gần 10 lần.
Anh Nguyễn Thành Dũng, ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình có 5.000 m2 đất trống mít, hiện nay anh làm toàn bộ hệ thống tưới phun bằng ống nhựa, tưới cho từng cây mít, ông cho biết, trước đây hàng ngày tưới bằng thủ công, mỗi ngày thuê một người tưới chi phí hết 300 nghìn đồng, nay nhờ lắp hệ thống tưới bằng mô tơ điện, không phải thuê nhân công đã tiết kiệm được chi phí, đồng thời hệ thống tưới phun đều hơn, kịp thời hơn , nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay.
Việc ứng dụng hệ thống tưới phun vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, vừa tiết kiệm được lượng nước tưới so với phương pháp thông thường, vừa làm tăng độ ẩm cho đất, làm mát cây, giúp cho sự kích thích cây tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, không làm dập cây trồng, tiết kiệm thời gian tưới, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn hiện nay, sau cùng là giảm đi sự vất vả cho người nông dân.
Các mô hình đưa cơ giới hóa vào hệ thống tưới phun, điều khiển tự động, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bền vững thông qua việc tiết kiệm nước tưới, chủ động công lao động, giảm chi phí sản xuất, đồng thời giúp cho nhà vườn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Mô hình giúp giảm lượng nước tưới khoảng 30-40% so với truyền thống, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu khi gặp hạn, mặn; giúp giảm chi phí sản xuất so với phương pháp tưới bình thường do giảm sử dụng phân bón, phân bón ít bị thất thoát do rửa trôi, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do tưới lượng nước vừa phải, sâu bệnh ít phát triển, giảm điện năng tiêu thụ do thời gian tưới ngắn hơn, giảm công tưới nước,...
Kết quả ghi nhận trên một số loại cây trồng như nhãn, chanh, xoài, cam sành, rau, hoa kiểng cho thấy mô hình đã tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/ha/năm so với áp dụng phương pháp tưới bình thường, chủ yếu là tiết kiệm điện năng tiêu thụ 5 triệu đồng/ha và công tưới nước 14 triệu đồng/ha.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu, là ưu tiên phát triển cơ giới hóa vào cây trồng và vật nuôi . Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì nền nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Đáp ứng kịp thời vụ, tăng mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đáp ứng được tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp và giảm lao động nặng nhọc cho người nông dân. Mục tiêu đến năm 2030 đưa cơ giới hóa tưới tiêu cho 90% diện tích hoa màu và 100% diện tích cây ăn trái tưới tiêu bằng máy .
Nguyễn Văn Trí