Đồng Tháp phát triển ngành hàng sen cho hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp là 1.800 ha với hơn 100 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm từ sen; có 59 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 - 4 sao. Giá trị sản xuất ngành hàng sen hàng năm tỉnh Đồng Tháp thu về trên 1.900 tỷ đồng.

vna_potal_dong_thap_phat_trien_nganh_hang_sen_gan_voi_van_hoa_du_lich_theo_huong_ben_vung_7264544.jpg
Vùng trồng sen ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo các Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; UBND huyện, thành phố; Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp phát triển ngành hàng sen Đồng Tháp theo chuỗi giá trị gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo Sở Công Thương Chủ trì, phối hợp sở, ngành, các đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm mới từ sen (sản phẩm phối trộn, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm thuần chay…) theo nhu cầu của đơn vị sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm theo tín hiệu thị trường.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp sở, ngành, các đơn vị có liên quan nghiên cứu việc áp dụng giải pháp thuận thiên vào sản xuất nhằm bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại…; nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nguyên liệu và sản phẩm từ sen trong năm 2024.

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp sở, ngành, các đơn vị liên quan nghiên cứu việc áp dụng các sản phẩm từ chế phẩm sinh học để sử dụng thay thế cho phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp; triển khai các ứng dụng, đề tài khoa học vào phát triển sản phẩm chế biến sâu như mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang… để gia tăng chuỗi giá trị sen đến năm 2027. UBND huyện, thành phố, các đơn vị liên quan xây dựng và phát triển mô hình du lịch sen thành du lịch nông nghiệp trải nghiệm, hướng tới mô hình kinh doanh đa chức năng, phát triển du lịch bền vững, góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu địa phương trong năm 2024.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, việc phát triển vùng nguyên liệu, quy trình canh tác bền vững, hướng đến chất lượng cao được tập trung trồng ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông. Ngoài các sản phẩm sen chế biến thức ăn, nước uống còn các sản phẩm tiềm năng từ sen dùng trong mỹ phẩm như nước hoa sen, son sen; gia dụng hàng ngày như xà bông sen, nhang sen; sen dùng trong may dệt may, thời trang như tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi sách…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho rằng, với lợi thế đặc thù về tiềm năng thế mạnh kinh tế và văn hóa của mình, chuỗi giá trị sen của Đồng Tháp đã được những bước tiến đang kể, nhưng để tăng giá trị gia tăng và chế biến sâu các mặt hàng chất lượng, kể cả thương mại hóa, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm mới từ sen đang được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu theo tín hiệu của thị trường mang tính ứng dụng cao như than hoạt tính từ gương sen, nhựa sinh học từ sợi thân sen hay tinh dầu sen, cao sen… Đây là những sản phẩm tiềm năng lớn tạo sức đột phá lớn bằng việc kết hợp giữa khoa học công nghệ vào trong cây nông nghiệp đặc trưng bản địa góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi giá trị sen.

Để phát huy hiệu quả phát triển ngành hàng sen theo chuỗi giá trị gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai mô hình “Xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 50 ha sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ”; thu thập thông tin kinh tế kỹ thuật, giá thành sản xuất, định vị vùng trồng sen năm 2024; xây dựng và hoàn thiện “Quy trình kỹ thuật canh tác sen an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.

Theo kế hoạch phát triển ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025, vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đạt 1.400 ha, sản lượng 1.148 tấn; mở rộng sản xuất các giống sen chuyên biệt phục vụ trang trí, tận dụng tất cả thân sen (hạt, ngó, lá) làm các sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm