Đồng Tháp phát triển ngành hàng sen gắn với văn hóa, du lịch bền vững

Ngành hàng sen là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp. Phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh; đồng thời kết hợp lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương. Cây sen được trồng nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình. Huyện Tháp Mười là huyện trồng nhiều sen nhất tỉnh, với diện tích hơn 117 ha.

vna_potal_dong_thap_mo_rong_dien_tich_trong_sen_len_3000_ha_6132918.jpg
Người dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười thu hoạch gương sen. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Năm 2024 dự kiến xuống giống sen trên 143 ha tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông để phục vụ cho Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Được biết hiện nay Đồng Tháp có trên 50 sản phẩm OCOP từ cây sen và đặc biệt có 200 món ăn sen… là điều kiện thuận lợi phát triển ngành hàng sen bền vững. Tỉnh Đồng Tháp tổ chức lại sản xuất của ngành hàng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với sản xuất an toàn (sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn dịch bệnh,...); Dự kiến xây dựng 01 mô hình với khoảng 50 – 100 ha. Phát triển sản xuất sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững.

Ông Lê Quang Biểu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp phong phú, đến tận vùng sâu Đồng Tháp Mười có mô hình du lịch nông nghiệp từ cánh Đồng Sen Tháp Mười. Khu Đồng Sen Tháp Mười là nơi giữ lại sự nguyên vẹn của những đồng sen bằng những cách bố trí sắp xếp không gian đơn giản mà tinh tế, hạn chế tối đa can thiệp vào cảnh quan thiên nhiên. Phát huy thế mạnh về sen, các hộ kinh doanh ở Khu Đồng Sen Tháp Mười khai thác loại hình du lịch trải nghiệm như : chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, cảnh thu hoạch, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen.

Hiện tại đã có 7 hộ tham gia khai thác du lịch. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình mỗi tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách.

Ông Đinh Công Phủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện đang phát huy thế mạnh cây Sen kết hợp sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với OCOP từ cây sen. Huyện có 22 sản phẩm từ cây sen và có 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao như: hạt sen sấy, trà hoa sen, hạt sen nước đường, củ sen chua ngọt, ngó sen chua ngọt, củ sen sấy vị gà cay, hạt sen sấy vị gà cay, sen sấy Wasabi, sen sấy, ngự trà Hồng Liên của Chi nhánh Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt.

Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện 2 mô điểm “Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP - Sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười” và “Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười”. Các mô hình thực hiện hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sen. Huyện Tháp Mười ngày càng đa dạng, việc sản xuất sen không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy, sửa sen…

Huyện Tháp Mười hướng đến mục tiêu Xây dựng hoàn thiện vùng sản xuất trọng điểm và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng sen trở thành ngành chủ lực, xuất khẩu, phát triển các sản phẩm từ sen kết hợp với du lịch sinh thái và ẩm thực sen. Phấn đấu năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000 ha; trong đó, tập trung phát triển 05 vùng nguyên liệu sen tại các xã: Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.

Ông Nguyễn Trường An một nông dân ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười chuyển sang làm du lịch từ cánh đồng sen. Ông An cho biết, trước đây trồng sen lấy gương lợi nhuận bấp bênh, từ khi chuyển 3 ha sen kết hợp làm du lịch sinh thái, tận dụng hạt sen, lá sen, hoa sen chế biên và bán sen tươi cho du khách tăng thêm lợi nhuận hơn so với bán gương, bán ngó.

Ông Lê Văn Nghĩa ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã tạo nên những bức tranh bằng sen độc đáo. Đến nay, có hàng trăm sản phẩm tranh làm từ lá sen bán đi khắp trong và ngoài nước. Ông Bảy Nghĩa sử dụng lá sen để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tranh lá sen gồm các thể loại 3D, 2D, gân sen, nguyên lá sen, bụi lá… với nhiều kích cở đem nguồn thu nhập khấm khá từ bán tranh từ sen. Đây là sản phẩm độc đáo có nhiều người đặt mua.

Ngành hàng sen không chỉ phát triển gắn với văn hóa, du lịch mà con là sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, là sản phẩm Hạt sen sấy có tiếng trên thương trường của anh Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành. Hiện nay hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao của anh Hiệp được tiêu thụ khá lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Thủ đô Hà Nội và có mặt các quốc gia Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc…

Bình quân trồng 1 ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, ước tính thu hoạch kéo dài 2,5 tháng, bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất từ 6-8 tấn/ha, hiện nay mỗi kg gương sen bán hơn 45 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Một vài mô hình canh tác sen đã được người dân thực hiện trong những năm qua như: sen lúa (một vụ sen - một vụ lúa luân phiên), sen cá (trồng sen quanh năm kết hợp nuôi cá tự nhiên) và sen chuyên canh (trồng sen quanh năm)… Hầu hết các mô hình trên cây sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm như bơi xuồng ngắm hoa, câu cá, ẩm thực từ sen… nhằm tăng thêm thu nhập; các hoạt động du lịch kết hợp này giúp tăng thêm lợp nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP.

Theo kế hoạch phát triển ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025 vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đạt 1.400 ha, sản lượng 1.148 tấn; mở rộng sản xuất các giống sen chuyên biệt: phục vụ trang trí, tận dụng tất cả thân sen (hạt, ngó, lá) làm các sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm