Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 4

Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 4
Bài 4: Lũ về cho tôm cá đầy đồng
  
Cá tôm đầy đồng

Từ 3 giờ sáng, cái chợ cá nhỏ trên miền biên giới huyện Vĩnh Hưng (Long An) đã tấp nập người mua, kẻ bán. Những mẻ cá linh, cá rô, cá lóc, chạch… được người dân thu hoạch sau một ngày vất vả chài lưới mang ra đây bán. Trong mùa nước nổi, mỗi ngày các tiểu thương ở chợ này thu mua hàng chục tấn cá đồng các loại để mang đi tiêu thụ các nơi.
Phân loại cá trước khi mang ra chợ cá ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, bán cho thương lái. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Phân loại cá trước khi mang ra chợ cá ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, bán cho thương lái. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
 
Chi Hoa, một tiểu thương tại đây cho biết, trung bình mỗi ngày chị thu mua hơn một tấn cá các loại. Những loại cá đặc sản như cá linh, cá heo hay cá rô, cá lóc… được phân loại rồi đem bán lại ở các chợ hoặc các quán ăn, nhà hàng, còn những loại cá tạp thì được đóng thùng mang đi bỏ cho các cơ sở nuôi thủy sản làm thức ăn cho cá. Tất cả đều là cá đồng, thịt thơm ngon hơn cá nuôi, sạch sẽ nên khách hàng rất thích, những loại cá mỗi năm chỉ có vào mùa nước nổi như cá linh, cá heo… lại càng được ưa chuộng.
 
Những ngày này, trên những dòng kênh, cánh đồng ngập nước ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An), dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người dân sôi nổi thu hoạch thủy sản. Người giăng lưới, thả câu, kẻ kéo lưới, đặt dớm, họ là những người dân ở địa phương và cả những người đến từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… Có những nét mặt rạng rỡ khi thu về mẻ lưới nặng trĩu cá tôm, cũng có những nét thoáng buồn trong những ngày thất thu.
 
Đang phân chia các loại cá vừa mới thu hoạch để chuẩn bị đem bán trên cánh đồng trắng nước ở xã Vĩnh Trị (Vĩnh Hưng, Long An), ông Nguyễn Hữu Hòa cho biết, ở quê không có ruộng đất, chỉ đánh cá mưu sinh nên năm nào cũng vậy, khi con nước bắt đầu lớn thì gia đình gồm 4 người từ huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) dìu dắt nhau sang đây đánh bắt thủy sản.

Ban ngày đi đặt dớm, thả lưới, tối về ăn nghỉ luôn trên thuyền cho đến hết mùa nước mới về nhà. Cá đánh bắt được gồm nhiều loại như cá linh, cá heo, cá rô… Có những ngày trúng thì thu được tiền triệu, ngày nào ít cũng được vài trăm ngàn. Nói chung với nguồn thu này thì cả gia đình cũng sống được.
 
Còn anh  Dương Văn An, người dân địa phương ở huyện Vĩnh Hưng cho biết, đến mùa nước lên thì dân ở đây không làm ruộng được, nhiều người làm nghề đánh bắt cá mưu sinh. Lúc nước mới về (khoảng cuối tháng 7), ít người đánh bắt nên giá cao lắm, như cá linh đến hơn 200.000/kg, mỗi ngày có thể thu được 1-2 triệu. Giờ nước lớn trắng đồng, giá xuống chỉ còn vài chục nghìn/kg, mỗi ngày cố gắng cũng thu được 400.000 – 500.000, đây là khoản thu khá lớn đối với người dân.
 
Sản vật thiên nhiên phong phú
Không chỉ có tôm, cá, mùa nước nổi còn mang đến cho vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, miền Tây Nam bộ nói chung nhiều sản vật thiên nhiên phong phú như hẹ nước, bông súng, bông điên điển… Đây là những món đặc sản đối với thực khách, cũng là các sản vật quý giá đối với những người dân nghèo, có thể giúp họ kiếm được tiền trăm, thậm chí tiền triệu mỗi ngày.
Hẹ nước là loại cây đặc sản trong mùa nước nổi của tỉnh Long An, có thể giúp người dân thu nhập từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Hẹ nước là loại cây đặc sản trong mùa nước nổi của tỉnh Long An, có thể giúp người dân thu nhập từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Giữa cánh đồng trắng nước không thể phân biệt đâu là sông, đâu là ruộng ở xã Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng), ông Lê Văn Thông đang chèo chiếc xuồng nhỏ để thu hoạch từng cây bông súng tím ngắt đã dài quá đầu người. Loài cây có thân dài, vị giòn ngọt này là nguồn thu duy nhất của ông.
 
Ông Thông chia sẽ, nhà không có ruộng, với tuổi cũng không như ông không đi làm thuê, làm mướn được. Nhờ mùa nước này, trồng mấy công (mỗi công = 1.000 m2) bông súng mới có nguồn thu nhập. Mùa nước lớn, cây bông súng dài và lớn hơn, bán có giá nên mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn.
 
Còn phía trong nhà, chị Nguyễn Thị Bé Hai ở xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng đang cuốn từng cây bông súng để chuẩn bị mang bán cho thương lái. Chị Hai cho biết, mỗi cây cuốn lại như vậy bán được 2.000 đồng. Mỗi ngày đi ra đồng nhổ bông súng từ 5 giờ sáng đến 8 giờ về cuốn chị cũng thu được 200.000-300.000 đồng, thời gian rảnh rỗi thì cuốn thuê cho người ta kiếm thêm thu nhập.
 
Từ miền biên giới Vĩnh Hưng xuôi về Thành phố Tân An (Long An) theo Quốc lộ 62, dễ dàng nhìn thấy những chợ nhỏ hay sạp hàng ven đường bày bán nhiều loại sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, ngó sen, hẹ nước…

Còn trên những cánh đồng nước đã ngập đến quá ngực ở huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, hàng trăm con người đang ngụp lặn để thu hoạch hẹ nước. Hẹ nước được biết đến là loài cây đặc sản chỉ có trong mùa nước của tỉnh Long An, dùng làm rau sống, ăn kèm với các loại lẩu rất ngon, những năm gần đây rất được thực khách ưa chuộng.
  
Đang dầm mình trong dòng nước để nhặt những cây hẹ nước vừa mới nhổ về, anh Trần Văn Ngang (xã Tân Tập, huyện Mộc Hóa, Long An) cho biết, trước đây cây hẹ nước mọc đầy đồng nhưng ít người biết đến, người ăn cũng ít, mấy năm gần đây lại rất được ưa chuộng vì là loại rau mọc tự nhiên, không có phân, thuốc, vị lại rất ngon nên rất có giá. Cả xóm kéo nhau đi nhổ hẹ, mỗi ngày, trung bình thu được 700.000-800.000/ngày, đến hết mùa nước trừ chi phí rồi cũng dư ra được hơn 50 triệu.
 
Cá tôm và sản vật phong phú là những món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân miền Tây, đặc biệt là dân nghèo trong mùa nước nổi. Nhờ đó, họ có thêm nguồn thu nhập để sống qua ngày, mua sắm thêm các vật dụng cần thiết cho gia đình, giúp con cái có tiền đi học… Chính vì thế, họ luôn mong chờ con nước đổ về./.
                Bùi Giang - Chương Đài
  Bài cuối: Mong chờ những mùa lũ "đẹp"
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm