Tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, nhờ bệ đỡ là nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nhiều mô hình kinh tế ra đời mang mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Nếu như trước đây, gia đình anh Tòng Văn Tiếp ở bản Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên chỉ có nguồn thu nhập từ trồng trọt nên đời sống còn nhiều khó khăn. Với lợi thế ở địa phương có vùng sản xuất nông nghiệp thuận lợi, anh Tiếp mở ra hướng phát triển kinh tế là nuôi và vỗ béo trâu bò để bán.
Năm 2020, gia đình anh mạnh dạn làm đơn vay 70 triệu đồng từ Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Than Uyên. Sau khi được giải ngân vốn, anh Tiếp đầu tư vào mua trâu, bò giống. Nhờ chăm sóc tốt, nắm vững các kỹ thuật nuôi… nên đàn trâu, bò của gia đình phát triển tốt. Đến nay, tổng đàn đại gia súc lên tới 16 con.
Anh Tòng Văn Tiếp chia sẻ: "Khi đó giá con giống cao, nếu không có nguồn vốn vau ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi không thể có mô hình kinh tế như hiện nay. Từ số tiền lãi bán trâu, bò được 100 triệu, gia đình đầu tư thêm vườn cây ăn quả như ổi, bưởi da xanh và hệ thống chuồng khép kín. Tôi cũng dự tính sẽ đề xuất với Hội Nông dân xã được vay thêm nguồn vốn tín dụng để mở rộng hơn chuồng trại, chăn nuôi đa dạng hơn".
Đây chỉ là 1 trong gần 300 hộ hội viên nông dân của xã Mường Than, huyện Than Uyên được vay các nguồn vốn từ các chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thời gian qua. Từ nguồn vốn vay này, nhiều nông dân xã Mường Than đã khai thác tối đa lợi thế đồng đất, kinh nghiệm sản xuất để vươn lên xóa nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Đời sống, kinh tế của người dân ngày càng ổn định, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo ông Kiều Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Than, huyện Than Uyên, Phòng Giao Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác Hội Nông dân xã phụ trách 4/6 tổ tiết kiệm và vay vốn của xã với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng. Với vốn vay lãi suất ưu đãi, các hộ đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, trồng chè, chanh leo và liên kết với doanh nghiệp trồng bí đao xanh rất hiệu quả. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho trên 200 lao động nông thôn. Trong 6 tổ có hơn 100 hộ thuộc diện hộ nghèo được vay vốn. Đến nay, các hộ dần có kinh tế ổn định, có hộ thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Tiếp tục phát huy vai trò đồng hành cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Than Uyên tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo đó, đơn vị phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác, UBND xã, thị trấn tích cực tuyên truyền các chương trình: Giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay mua máy tính giải quyết nhu cầu học tập cho học sinh, sinh viên…
Đến thời điểm 15/8/2022, Phòng Giao dịch giải ngân cho 225 khách hàng. Trong đó, vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 20 tỷ đồng; cho vay nhà ở 83 tỷ đồng và cho vay mua máy tính thiết bị học tập 70 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã góp phần tạo nguồn vốn cho những hộ dân đi làm ăn xa trở về địa phương (bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) giải quyết việc làm tại chỗ; những cán bộ, công nhân viên chức khó khăn cũng có vốn vay để ổn định nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch là 423 tỷ, ủy thác, ủy nhiệm qua 190 tổ tiết kiệm, vay vốn. Qua kiểm tra, các hộ vay vốn đã sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, phát huy tối đa nguồn vốn vay để tạo việc làm, tăng thu nhập, có nhà ở kiên cố. Điều đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, là huyện có xuất phát điểm thấp, trong 20 năm qua, nguồn vốn chính sách ưu đãi có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế xã hội của huyện, đặc biệt là công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Nguồn vốn chính sách xã hội của huyện đã chung tay góp phần giúp huyện thoát nghèo vào năm 2018 cũng như hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội hàng năm và phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội ở huyện Than Uyên trở thành bệ đỡ vững chắc để nhiều nông dân nghèo mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điều này là hết sức cần thiết và kịp thời khi Lai Châu là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống của người dân ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Nguyễn Oanh