Đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự thay đổi nhanh chóng của xã hội do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần nền giáo dục 4.0 để chuẩn bị cho lực lượng lao động 4.0 và công dân 4.0. Đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, trên nền tảng triển khai thí điểm mô hình CDIO (Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai và Vận hành) từ 2010 đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển Đề án giáo dục 4.0 với mục tiêu cải tiến chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cao, đáp ứng nhu cầu xã hội theo những chuẩn mực chất lượng quốc tế; từ đó, phát triển và nhân rộng mô hình cho hệ thống giáo dục Việt Nam.

Trong năm 2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo trình độ đại học theo giáo dục 4.0 ở các trường thành viên. Dự kiến đến năm 2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 30/102 ngành đào tạo trình độ đại học triển khai theo mô hình giáo dục 4.0.
 
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động đào tạo ở bậc đại học. Nhu cầu thay đổi của các hoạt động giáo dục để đáp ứng sự thay đổi đột biến của các hoạt động công nghiệp ngày càng rõ nét.

Các ngành học mới là giao thoa của nhiều ngành chuyên môn khác nhau, có cả ảnh hưởng rất lớn của ngành công nghệ thông tin xuất hiện ngày càng nhanh và nhiều hơn. Vì vậy, các trường đại học cần thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt hơn, rèn luyện cho người học kỹ năng, thái độ học tập suốt đời, thích nghi với những yêu cầu kỹ thuật mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
 
Các đại biểu cũng cho rằng, sự phát triển không ngừng của thực tiễn xã hội luôn đặt ra cho nhà trường phải đổi mới, cải tiến, bổ sung, phát triển để đảm bảo việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội. Theo đó, để thích nghi, trường đại học cần xác định những năng lực, kỹ năng cốt lõi, lựa chọn nội dung, sử dụng các tiếp cận và phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội ngày nay. Giáo dục đại học phải tăng cường sự trải nghiệm cho người học./. 
 Thu Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm