Độc đáo lễ hội đấu cà kheo truyền thống ở Bỉ

Vào mỗi tuần thứ ba của tháng 9, thành phố Namur của Bỉ lại sôi động và ngập tràn sắc màu với lễ hội dân gian truyền thống của vùng Wallonia (vùng tiếng Pháp của Bỉ).

vna_potal_le_hoi_dau_ca_kheo_truyen_thong_namur_bi_7603959.jpg
Diễu hành trong Lễ hội dân gian vùng Wallonia. Ảnh: Hương Giang - TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, điểm nhấn của lễ hội này là cuộc thi đấu cà kheo. Đây không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là một biểu tượng của lòng tự hào địa phương, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2021.

Điểm hấp dẫn là cuộc đối đầu giữa hai đội truyền thống: đội Mélans với cà kheo màu vàng- đen, và đội Avresses mang màu đỏ - trắng. Hai đội cùng tham gia vào những cuộc tranh tài kịch tính trên những chiếc cà kheo cao.

vna_potal_le_hoi_dau_ca_kheo_truyen_thong_namur_bi_7603964.jpg
Trận đấu "Cà kheo Kim Cương" giữa hai đội Mélans (cà kheo vàng - đen) và đội Avresses (cà kheo đỏ - trắng). Ảnh : Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ

Thông thường, cuộc đấu chỉ dành cho nam giới đoạt "Cà kheo Vàng". Nhưng từ năm 2022, cuộc đấu mở rộng cho nữ với cuộc đua "Cà kheo Kim cương", thu hút các đấu thủ từ 15 tuổi trở lên tham gia.

Trong không gian rực rỡ của lễ hội, các đấu thủ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống bắt mắt, đứng trên đôi cà kheo cao. Khoảnh khắc tiếng trống vang lên, các đấu thủ bắt đầu trận chiến quyết liệt với mục tiêu duy nhất: khiến đối phương mất thăng bằng và ngã xuống. Dù gay cấn, cuộc thi vẫn tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, đảm bảo không ai được phép tấn công từ phía sau, nhằm bảo vệ an toàn cho tất cả người chơi.

vna_potal_le_hoi_dau_ca_kheo_truyen_thong_namur_bi_7603958.jpg
Trận đấu "Cà kheo Kim Cương" giữa hai đội Mélans (cà kheo vàng - đen) và đội Avresses (cà kheo đỏ - trắng). Ảnh : Hương Giang - TTXVN

Khi đội thua cuộc rời sân, các đấu thủ còn lại phải đối mặt với chính đồng đội của mình, tạo nên một cuộc đấu trí cam go để giành lấy chiến thắng cuối cùng. Năm nay, trận đấu "Cà kheo Kim cương" diễn ra đầy căng thẳng, với chiến thắng thuộc về Célestine Beaujot, cô gái 15 tuổi đầy bản lĩnh. Trong khi đó, danh hiệu "Cà kheo Vàng" đã thuộc về Martin Dessambre sau một trận đấu mãn nhãn.

Nữ đấu sĩ Manon Welschen chia sẻ đầy cảm xúc: "Suốt cả năm qua em đã luyện tập không ngừng, từ những bước đi chập chững cho đến những cú đánh chính xác. Dù mệt mỏi, em luôn cố gắng hết sức. Dù chưa chiến thắng, nhưng việc được đại diện cho đội mình đứng trên sân đấu là một niềm tự hào khó quên".

vna_potal_le_hoi_dau_ca_kheo_truyen_thong_namur_bi_7603967.jpg
Trận đấu "Cà kheo Kim Cương" giữa hai đội Mélans (cà kheo vàng - đen) và đội Avresses (cà kheo đỏ - trắng). Ảnh : Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ

Không chỉ thu hút người trẻ, lễ hội còn có sức hút mạnh mẽ với các thế hệ lớn tuổi. Bà Isabelle Manil, 70 tuổi, không phải là người dân Namur nhưng năm nào cũng tham gia lễ hội, tâm sự: “Tôi luôn đến sớm để cổ vũ, bởi tôi yêu sự kiên cường của các đấu sĩ cà kheo. Đó là một nét văn hóa đặc sắc khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác”.

Với những người chơi như ông Patrick Hilgers, thành viên đánh trống kỳ cựu của đội "Cà kheo Vàng", lễ hội không chỉ là một cuộc chơi, mà còn là biểu tượng của lòng tự hào văn hóa. Ông chia sẻ: "Đây là một phần di sản văn hóa quý báu của vùng chúng tôi. Lễ hội không chỉ mang đến niềm vui mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống".

vna_potal_le_hoi_dau_ca_kheo_truyen_thong_namur_bi_7603962.jpg
Diễu hành trong Lễ hội dân gian vùng Wallonia. Ảnh: Hương Giang - TTXVN

Lễ hội đấu cà kheo Namur không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh tài, mà còn là hành trình kết nối lịch sử và văn hóa, từ thời Trung Cổ đến ngày nay. Những chiếc cà kheo, từng được người dân Namur sử dụng trong cuộc sống thường ngày, giờ đây trở thành biểu tượng của sự kiên cường và bản sắc địa phương. Lễ hội còn là dịp để cộng đồng gắn kết và sẻ chia niềm vui. Người dân Namur không chỉ tự hào về di sản của mình mà còn luôn nhiệt tình tham gia, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Với sức hút ngày càng lan tỏa, lễ hội đấu cà kheo Namur đã vượt qua ranh giới địa phương, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Điều này đặt ra thách thức mới cho việc bảo tồn và phát triển lễ hội, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để di sản văn hóa độc đáo này tiếp tục tỏa sáng trên bản đồ thế giới.

vna_potal_le_hoi_dau_ca_kheo_truyen_thong_namur_bi_7603960.jpg
Diễu hành cà kheo trong Lễ hội dân gian vùng Wallonia. Ảnh: Hương Giang - TTXVN

Hương Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm