Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại tỉnh Long An

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại tỉnh Long An
Theo báo  cáo của UBND tỉnh Long An, từ năm 2013-2017, tỉnh đã cấp giấy phép cho hơn 10.000 lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn, hơn 1.000 lao động không thuộc diện cấp phép lao động.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động nước ngoài được tỉnh triển khai thường xuyên; các doanh nghiệp thực hiện khá tốt việc lập hồ sơ cấp phép cho lao động người nước ngoài. Công tác quản lý hoạt động, cư trú của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…
 
Về vấn đề người Việt Nam đi lao động nước ngoài, từ năm 2010-2017, tỉnh Long An chỉ có 697 người đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.

Long An là địa phương có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia nên số lao động di chuyển qua biên giới làm việc, mua bán khá đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 lượt người qua lại.

Phần lớn người lao động sang biên giới làm việc đều tự phát, không thông qua cơ quan, tổ chức nên quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm như buôn người, buôn lậu, ma túy…
 
Tỉnh đã triển khai tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; xây dựng 192 mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở 192 xã, phường, thị trấn; tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ bạo lực gia đình…

Từ năm 2008-2017, chính quyền, ngành chức năng và tổ hòa giải cơ sở của tỉnh đã hòa giải hơn 2.000 vụ bạo lực gia đình; đưa ra cộng đồng dân cư góp ý, phê bình hơn 1.800 trường hợp; xử phạt hành chính 524 đối tượng bạo lực gia đình, xử lý hình sự 65 đối tượng bạo lực gia đình nghiêm trọng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Long An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chủ trương, chính sách, chế độ cho người làm công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở; sửa đổi mức phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình theo hướng thống nhất giữa các văn bản pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn về đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nước ngoài để đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; xem xét đặt giới hạn về số giờ lao động với đối tượng là học sinh, sinh viên người nước ngoài nhằm đảm bảo cân đối thời gian lao động, học tập và nghỉ ngơi của học sinh, sinh viên, đồng thời bảo vệ lao động bản xứ, kiểm soát nhập cư.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi  Sỹ Lợi đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Long An trong công tác thực hiện chính sách pháp luật về quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam; thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.
 
Ông Bùi  Sỹ Lợi cũng lưu ý, tỉnh cần quản lý chặt chẽ hơn nữa vấn đề lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động vùng biên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời bảo đảm trật tự xã hội. Về vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, tỉnh cần chú trọng tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan, đẩy mạnh xây dựng mô hình, chú trọng phát triển có chiều sâu hơn chiều rộng.
 
Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, ông Bùi  Sỹ Lợi cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận để chuyển cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.
 Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm