Diện tích thanh long Bình Thuận giảm gần 1.000 ha

Diện tích thanh long Bình Thuận giảm gần 1.000 ha

Ngày 30/3, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận về triển khai giải pháp để tuyên truyền, định hướng tổ chức sản xuất giúp người trồng thanh long ổn định sản xuất và tình trạng một số người dân chặt bỏ thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác.

Diện tích thanh long Bình Thuận giảm gần 1.000 ha ảnh 1Chăm sóc thanh long Bình Thuận. Ảnh: TTXVN

Tới nay, đã có 6 huyện trồng nhiều thanh long đã thực hiện việc rà soát là Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Tánh Linh, thành phố Phan Thiết, riêng huyện Đức Linh diện tích trồng thanh long không đáng kể. Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh giảm là 936 ha trên địa bàn 6 huyện.

Huyện Bắc Bình là địa phương có diện tích thanh long giảm nhiều nhất với 595 ha; trong đó có khoảng 361 ha thanh long già cỗi, sản lượng thấp nên người dân chủ động chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác hoặc giống khác. Qua rà soát cho thấy có khoảng 433 ha thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác; có khoảng 12 ha thanh long chuyển mục đích sử dụng (phân lô, bán nền…); diện tích thanh long chặt bỏ, không sản xuất là khoảng 478 ha.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có tình trạng người trồng thanh long đang bán vườn thanh long, bán đất có trồng thanh long hoặc chặt bỏ vườn thanh long chuyển đổi trồng các cây trồng khác.

Từ năm 2021 đến nay, việc tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, giá thanh long liên tục xuống thấp trung ở mức 1.000 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg, thanh long sản xuất ra không tiêu thụ được. Hiện nay, hơn 85% sản lượng thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khác chỉ 15%.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nguyên nhân thanh long tiêu thụ chậm là do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch dẫn đến không chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc làm giảm mức tiêu thụ sản phẩm thanh long. Ngoài ra, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero - COVID” nên đã tăng cường kiểm soát tại các của khẩu biên giới đường bộ, các cảng xuất nhập khẩu và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản; trong đó có thanh long tại các cửa khẩu diễn ra thường xuyên, liên tục dẫn đến giá cả thanh long xuống thấp trong thời gian dài.

Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện sản xuất thanh long đạt chuẩn VietGAP; GlobalGAP, hữu cơ…Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 12.400 ha thanh long đạt chuẩn VietGAP; 560 ha đạt chuẩn GlobalGAP… Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật giao về địa phương thực hiện quản lý giám sát 413 mã số vùng trồng, 277 mã số cơ sở đóng gói thanh long cho các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand.

Trước tình hình giá thanh long xuống thấp hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi nắm bắt yêu cầu và diễn biến thị trường để định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh; không sản xuất sản phẩm mình có mà sản xuất sản phẩm thị trường cần. Người dân nên cân nhắc không nên vội vàng chặt bỏ thanh long, mà nên duy trì vườn thanh long bằng cách tưới nước, cắt cỏ, bón phân hữu cơ với lượng tối thiểu để giữ màu xanh của cây tránh tình trạng cây suy kiệt teo tóp.

Đối với các diện tích thanh long già cỗi, có thể chặt bỏ để trồng mới hoặc thay đổi các cây trồng khác nhưng phải phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương và có định hướng thị trường các loại cây chuyển đổi. Về lâu dài, người trồng thanh long cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, chủ động trong việc thực hiện các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, từng bước nâng cao chất lượng của sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chi cục cũng đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nghiên cứu, xác định các cây trồng mới có giá trị cao, phù hợp với từng địa bàn để khuyến cáo cho người dân thay thế diện tích thanh long già cỗi, năng suất kém nhằm đa dạng cây trồng, hạn chế rủi ro, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long còn rất lớn tiềm năng như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia...

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đề Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả thanh long tươi và đặc biệt là thanh long chế biến trong và ngoài nước; thí điểm chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh thanh long, tăng cường quảng bá và tiêu thụ thanh long trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm