Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long, giải tỏa sức ép tiêu thụ

Thanh long loại 1 được thương lái thu mua . Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Thanh long loại 1 được thương lái thu mua . Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Thời gian vừa qua, do phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng nhiều xe hàng thanh long bị tồn ứ tại các cửa khẩu; tình hình xuất khẩu nông sản gặp không ít khó khăn. Tại Bình Thuận, một lượng lớn thanh long đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra. Các chuyên gia cho rằng, cùng với thay đổi các tổ chức sản xuất; mở rộng thị trường thì việc tăng cường đầu tư vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ thanh long là giải pháp cần thiết để giải tỏa sức ép tiêu thụ trái tươi cũng như hướng tới phát triển lâu dài, bền vững cây thanh long.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long, giải tỏa sức ép tiêu thụ ảnh 1Thanh long loại 1 được thương lái thu mua . Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Áp lực tiêu thụ trái tươi.

Tính đến đầu năm 2022, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha với sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ ở 2 hình thức tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; trong đó thị trường nội địa chiếm khoảng 15% sản lượng. Riêng trong xuất khẩu, khoảng 2 - 3% sản lượng là theo đường chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu. Toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long; trong đó có 18 đơn vị xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, còn lại là xuất khẩu tiểu ngạch.

Những năm qua, cây thanh long được xác định là cây trồng lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh với hơn 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên hàng nghìn lao động địa phương. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc khiến sản xuất thanh long đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động hoặc nhập khẩu nhưng với sản lượng thông quan rất hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu. Giá trái tươi liên tục giảm sâu, nhiều nhà vườn rơi vào cảnh thua lỗ liên tục.

Theo một số nhà vườn ở huyện Hàm Thuận Bắc, mặc dù đang là mùa trái vụ, chi phí chong đèn cao nhưng giá thanh long tại vườn chỉ có giá 1.000- 2.000 đồng/kg; thậm chí thanh long chín đầy vườn nhưng chưa tìm được người mua.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long, giải tỏa sức ép tiêu thụ ảnh 2Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan (giữa) kiểm tra việc thu mua xuất khẩu tại Công ty thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN

Thống kê của Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho thấy, dự kiến sản lượng thu hoạch của nông dân từ nay đến hết tháng 3/2022 khoảng 100.000 tấn. Ứớc tính đến hết mùa trái vụ (tháng 6/2022) thì sản lượng sẽ khoảng 300.000 tấn. Điều này đặt ra áp lực tiêu thụ trái tươi rất lớn trong khi thị trường tiêu thụ chính vẫn chưa có tín hiệu hồi phục.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương tỉnh thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Anh. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ trong nước.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến - hướng đi bền vững

Đầu ra trái tươi gặp khó, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng vào thực tế và tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ trái thanh long tươi. Ngoài rượu vang, mứt sấy dẻo, mứt sấy khô, kẹo thì thời gian gần trên thị trường xuất hiện thêm một số sản phẩm như kem thanh long, tương thanh long, mỳ tôm thanh long, rượu đế…

Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) có 35 ha thanh long gồm 12 thành viên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm thanh long sạch Hòa Lệ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao. Bên cạnh trồng cà xuất khẩu trái tươi, Hợp tác xã đã chú trọng đến việc đầu tư chế biến sản phẩm từ thanh long.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long, giải tỏa sức ép tiêu thụ ảnh 3Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan (bên phải) kiểm tra việc trồng thanh long tại Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Bình An, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN

Cụ thể, đến nay hợp tác xã đã phát triển được 10 sản phẩm chế biến từ thanh long như rượu vang, rượu đế, kem, mứt, nước cốt, hoa thanh long sấy… Đặc biệt, năm 2021, hợp tác xã có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là: kem thanh long và rượu đế thanh long. Bên cạnh tạo ra sản phẩm ngon, lạ, chất lượng, hợp tác xã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm tạo sự kích thích, thu hút người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Hoàng Thư Hương, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ cho biết, việc đa dạng các sản phẩm từ thanh long không chỉ góp phần giúp người dân giải quyết bớt lượng trái thanh long tươi dôi dư do không tiêu thụ được, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm mới lạ từ trái thanh long, giới thiệu đến mọi người nét đặc trưng của Bình Thuận.

Rõ ràng việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là một hướng đi đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần giải tỏa áp lực tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế cho thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên, trên thực tế, nhìn chung, các cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh hầu hết đều có quy mô nhỏ, công nghệ thấp nên chất lượng sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long, giải tỏa sức ép tiêu thụ ảnh 4Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan (giữa) kiểm tra khu vực đóng gói xuất khẩu thanh long tại Công ty thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 13 cơ sở chế biến sản phẩm từ thanh long. Tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long khoảng 37.800 tấn/năm, chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng trái hàng năm. Thời gian qua, mặc dù trái thanh long đã được chế biến đa dạng thảnh nhiều sản phẩm khác nhau nhưng sức tiêu thụ chưa được như mong muốn.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị trái thanh long, tỉnh Bình Thuận mời gọi các tập đoàn lớn có năng lực cả về vốn lẫn kỹ thuật đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi để làm cơ sở đầu tàu dẫn dắt, định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản lợi thế của vùng.

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong thời gian tới tỉnh triển tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm trong và ngoài nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm