Tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm sâu từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 13,62% cuối năm 2019. Thành quả trên có được nhờ sự đóng góp không nhỏ của những lá đơn xin thoát nghèo của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Huyện Đăk Tô là địa phương có 49 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo, nhiều nhất tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2016 - 2019. Xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) có điều kiện, địa hình phức tạp, đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Song xã có 21 hộ trong số 49 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo của huyện. Đến cuối năm 2015, xã Đăk Trăm còn 32,47% hộ nghèo, 5,25% hộ cận nghèo. Nhờ thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đến nay, xã chỉ còn 24,35% hộ nghèo và 7,52% hộ cận nghèo.
Chị Y Loan (sinh năm 1992, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết: Đến cuối năm 2018, gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình chị có 5 sào trồng mì, một sào trồng bời lời và hai sào trồng lúa. Song do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu cùng với ảnh hưởng của giá cả nông sản xuống thấp, dịch bệnh hoành hành, thu nhập không cao. Thế nhưng năm 2019, gia đình chị đã quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và được chính quyền địa phương chấp thuận.
Chị Y Loan cho biết thêm: “ Hai vợ chồng vẫn còn sức đi làm, kiếm tiền nuôi các con, trong khi có nhiều hộ dân khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, có người già, người tàn tật không có sức đi làm. Ai cũng khó khăn nhưng mình ít khó khăn hơn, mình xin thoát nghèo để nhường cho những người nghèo hơn".
Chị Y Ly (sinh năm 1993, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) dù hoàn cảnh còn khá khó khăn. Nhận thấy mình còn trẻ, khỏe, còn sức đi làm, vợ chồng chị cũng quyết định viết đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo vào năm 2019, nhường suất hộ nghèo cho các hộ có người già, neo đơn, bệnh tật được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nhận thức đúng về công tác giảm nghèo. Qua đó, người dân đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng. Ý thức của người dân đã từng bước được nâng lên. Nhận thức rõ về việc còn nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ là gánh nặng cho xã hội, nhiều gia đình trên địa bàn mặc dù còn có khó khăn nhưng đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo.
“Việc nhiều hộ dân viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo cho thấy, công tác tuyên truyền cho người dân về giảm nghèo đã đạt hiệu quả rõ rệt. Việc này không chỉ giúp giảm gánh nặng về tỷ lệ hộ nghèo cho địa phương mà còn thể hiện người dân đã nâng cao được nhận thức, tự lực, tự cường trong lao động, phát triển kinh tế. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi năm xã Đăk Trăm đã giảm được trên 3% số hộ nghèo”, ông Trương Đình Tuệ phấn khởi nói.
Theo đánh giá của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô, toàn bộ 49 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo trên địa bàn huyện đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trước đây. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, các hộ này đã ổn định sản xuất, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ kỹ thuật, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập từ 20 - 40% so với trước kia.
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm 2019, toàn tỉnh có 83 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo. Sau khi nhận được đơn, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể và nhận thấy các hộ này cơ bản có kinh tế ổn định, vượt qua ngưỡng chuẩn nghèo quốc gia, thoát nghèo bền vững. Các hộ dân làm nông nghiệp, kinh tế đã chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã chủ động xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng phát huy hiệu quả. Một số hộ dân đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán, kinh tế cũng được cải thiện.
“Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương ghi nhận và biểu dương các hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, xem đây là điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở Kon Tum và là tấm gương tốt cho các hộ nghèo khác học tập, noi theo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là tạo điều kiện cho các hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, tham gia các chương trình, hợp phần hỗ trợ sản xuất để hướng dẫn cho các hộ nghèo khác vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh.
Việc có nhiều hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo đã và đang tạo ra một tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum. Người dân đã nâng cao ý thức tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ vào hỗ trợ của chính sách. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững từ 3 - 4%/năm.
Dư Toán