Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân xã An Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm để phát triển sản xuất ngay trong điều kiện khí hậu khô hạn. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm và giảm 4% huyện nghèo, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo chương trình đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay cùng với việc thực hiện đồng bộ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu và khả năng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương.
Theo đó, Ninh Thuận triển khai công tác giảm nghèo theo hướng tập trung phát triển các mô hình có tính mới và khả năng nhân rộng cao như: Mô hình trồng cây măng tây xanh, trồng giống nho mới NH 01-152, các loại cây ăn quả đặc sản, đậu đỗ có khả năng thích ứng tốt với khí hậu khô hạn; các mô hình nuôi bò, dê, cừu vỗ béo để tăng năng suất, nâng cao chất lượng gia súc thương phẩm; các mô hình nuôi cá biển, các loài nhuyễn thể cho hiệu quả kinh tế cao.
Măng tây xanh là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc thù đang giúp đồng bào Chăm (xã An Hải, huyện Ninh Phước) thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục vận động, tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, vay vốn ưu đãi từ 50 đến 100% các khoản chi phí, lệ phí hợp lệ cần thiết khi đi xuất khẩu lao động cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân ở các xã khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là tại các nước và vùng lãnh thổ có mức thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Đức...
Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững, các tiêu chí tiếp cận nghèo theo chuẩn đa chiều. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người nghèo nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm hạn chế số hộ tái nghèo và khuyến khích thoát nghèo bền vững.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn ưu tiên thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh dành hơn 102,7 tỉ đồng thực hiện Chương trình 30a, Chương trình 135, hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực quản lý, giám sát cho các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo.
Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 9.326 người, (đạt 109,72% kế hoạch năm). Doanh số cho hộ nghèo vay trong năm đạt trên 66,3 tỉ đồng, doanh số thu nợ trên 80,4 tỉ đồng. Hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ. Số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được giải quyết cho vay.
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, nhà ở, giáo dục, nước sạch; cấp 207.333 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 141 tỉ đồng. Để hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách sớm ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, tỉnh hỗ trợ, cho vay xây dựng 153 căn nhà với kinh phí trên 4,4 tỉ đồng...
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Ninh Thuận đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuối năm 2019, toàn tỉnh có 2.853 hộ thoát nghèo; hộ nghèo còn 6,74%, giảm 1,6% so với năm 2018.
Nguyễn Thành
TTXVN