Chuyển biến trong công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Sa Thầy

Chuyển biến trong công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Sa Thầy
Diện mạo nông thôn Sa Thầy ngày càng khởi sắc. Ảnh: kontumtv.vn
Diện mạo nông thôn Sa Thầy ngày càng khởi sắc. Ảnh: kontumtv.vn

Sự thay đổi về đời sống của người dân nhận thấy rõ nét nhất qua bộ mặt nông thôn mới ở các thôn, làng. Những con đường được bê tông hóa, các vườn cà phê trĩu quả. Nhiều mô hình vườn, ao, chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang ngày càng được nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại các vùng quê nơi đây.

Thôn Đăk Tăng được thành lập vào năm 2014, trên cơ sở di dời 61 hộ dân người dân tộc thiểu số của xã Hơ Moong về nơi ở mới tại xã Sa Nghĩa. Đây là một trong những địa phương có sự thay đổi mạnh nhất của huyện Sa Thầy.  Để người dân không gặp khó trong những ngày đầu đến nơi ở mới, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là triển khai linh hoạt nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Gia đình anh A Giáp, trước đây, công việc của anh chị không ổn định, đi làm thuê khắp nơi. Năm 2014, chuyển về thôn Đăk Tăng sinh sống, gia đình anh được nhà nước hỗ trợ 1,2 ha đất rẫy và anh vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua máy bơm nước, phân bón, giống cây cà phê, bời lời về trồng. Sau 3 năm chăm bón, gia đình anh A Giáp bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên được 1,2 tấn cà phê và bán được gần 40 triệu đồng. Gia đình anh đã sử dụng một phần số tiền này để mua thêm 50 cây mít và 40 cây bơ về trồng xen với cà phê. Phần tiền còn lại anh mua hai con bò giống. Hiện tại, bò giống của anh đã đẻ được 1 con bê. Theo đó, gia đình anh A Giáp đã thoát nghèo.

Cũng như gia đình anh A Giáp, gia đình anh A Nhum vốn thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn với 7 nhân khẩu. Năm 2014, sau khi di dời và được nhà nước hỗ trợ 500 gốc cây cà phê đã phát triển, anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua phân bón về chăm sóc cà phê và mua một con bò giống về nuôi. Nhờ chịu khó và biết áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, số lượng bò của anh đã tăng lên 4 con, diện tích cà phê cũng tăng lên 1,9 ha. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm 300 cây bời lời, đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu/ năm cho gia đình. Với quyết tâm thoát nghèo và biết tích lũy, gia đình anh A Nhum không còn nằm trong danh sách hộ nghèo.        

Ông Đặng Ngọc Thơ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sa Thầy chia sẻ: từ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước như Chương trình 135, 755… đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã phát triển mạnh mẽ, nhiều hộ vươn lên làm giàu từ chính mảnh vườn, vật nuôi tại chỗ. Cái được nhất trong công tác giảm nghèo chính là tư duy làm kinh tế của người dân đã thay đổi, không còn canh tác du canh du cư, chăn thả tự do, phụ thuộc vào thiên nhiên. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; chăn nuôi theo mô hình tập trung, cấy ghép sinh sản vật nuôi có chủ đích… Nhờ vậy, công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả rất khả quan.

Năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6,25%. Hiện nay, toàn huyện còn 2.636 hộ nghèo (chiếm 20,58%). Từ những kết quả đã đạt được, huyện Sa Thầy phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn ở mức 10,3%.

Quang Thái

Có thể bạn quan tâm