Quang cảnh buổi Tọa đàm vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Hồng Thương - Phó trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo.
Năm 2019, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giao kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng thực hiện nhân rộng 15 mô hình giảm nghèo tại 15 tỉnh trong cả nước; trong đó đặc biệt chú ý các mô hình giảm nghèo tại các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn… Hiện nay, 15/15 tỉnh đã nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ dự án.
Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều địa phương đã chia sẻ những cách làm hay, giảm nghèo hiệu quả. Ông Vũ Chung Đức, đại diện MTTQ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết: Năm 2015, sau tổng điều tra hộ nghèo trên toàn huyện có 1.046 hộ nghèo, chiếm 3,46%. Từ thực tế này, huyện xác định muốn giảm nghèo, ngoài sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, phải làm thay đổi nhận thức của người dân. Sau 5 năm MTTQ triển khai hỗ trợ vốn sinh kế, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo của huyện chỉ còn 349 hộ. Việc hỗ trợ hộ nghèo vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Đại diện MTTQ huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Thực hiện công tác giảm nghèo, huyện đã triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: mô hình trồng cây bắp lai (ngô lai), lúa nước chăn nuôi bò, dê, cừu… Được sự hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp, các mô hình đều phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, từng bước thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, chăn nuôi của nông dân. Nhờ những chính sách từ chương trình giảm nghèo, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã khởi sắc rõ nét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày một ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Trung bình hằng năm huyện giảm từ 6-8% hộ nghèo.
Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Chia sẻ về cách làm hay trong công tác giảm nghèo, đại diện MTTQ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết: Xác định công tác giảm nghèo bền vững rất quan trọng, MTTQ huyện kêu gọi sự chung tay của các Hội, Đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ người dân thoát nghèo. Đối với những hộ nghèo, cần xác định nguyên nhân và đề ra các giải pháp để giúp đỡ. MTTQ huyện cũng xác định việc tặng quà hỗ trợ người nghèo chỉ là tạm thời, cần thiết phải xác định hộ nghèo cần gì để thay đổi cuộc sống, từ đó mới hỗ trợ đúng hướng, giúp họ thoát nghèo bền vững. Năm 2015, toàn huyện có 2,3% hộ nghèo, nhưng đến cuối năm 2019 chỉ còn 0,53%.
Kết luận buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực trong công tác giảm nghèo tại các địa phương, đặc biệt các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm rất sát thực với công tác giảm nghèo. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn, Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng với các giải pháp của Chính phủ sẽ tiếp tục góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. MTTQ các địa phương triển khai hỗ trợ nhân dân thực hiện mục tiêu thoát nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và hành động tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguyễn Thanh