Dịch hại đe dọa năng suất, chất lượng lúa Đông Xuân ở An Giang

Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, tỉnh An Giang xuống giống 227.256 ha lúa, nếp và đây được xem là vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Tuy nhiên đến nay, tỉnh đã có hơn 10.856,9 ha bị nhiễm dịch hại, nhất là rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, chuột… nếu không chủ động, theo dõi phát hiện sớm để quản lý phòng trị sẽ gây hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa vụ Đông Xuân.

vna_potal_dich_hai_de_doa_nang_suat_chat_luong_lua_vu_dong_xuan_2023-2024_tai_an_giang___7276446.jpg
Nông dân tỉnh An Giang sử dụng thuốc trừ rầy nây theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Tính đến 18/3, tỉnh đã thu hoạch đạt 30,42% diện tích xuống giống của vụ lúa Đông Xuân 2023-2024; ước năng suất bình quân 7,37 tấn/ha, giảm 0,07 tấn/ha so với cùng kỳ. Diện tích còn lại đang giai đoạn trổ bông và chín.

Qua theo dõi diễn biến dịch hại trên địa bàn tỉnh hiện nay rất phức tạp, tổng diện tích nhiễm dịch hại từ đầu vụ đến nay là 10.856,9 ha; trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 8.978,7 ha (chiếm 3,9 % diện tích xuống giống), diện tích nhiễm trung bình 1.768 ha (chiếm 0,8 % diện tích xuống giống), diện tích nhiễm nặng 110,2 ha.

Đặc biệt, một số diện tích lúa bị cháy rầy cục bộ do bà con nông dân chưa áp dụng triệt để biện pháp kỹ thuật “Một phải, Năm giảm”, vẫn còn sạ dày, bón thừa phân đạm, không thăm đồng thường xuyên và sử dụng thuốc trừ rầy chưa theo nguyên tắc “4 đúng”....

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2023- 2024 sẽ xuất hiện một số dịch hại quan trọng, nếu không chủ động, theo dõi phát hiện sớm để quản lý phòng trị sẽ gây hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lương của vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 trên toàn tỉnh.

vna_potal_dich_hai_de_doa_nang_suat_chat_luong_lua_vu_dong_xuan_2023-2024_tai_an_giang___7276449.jpg
Nông dân tỉnh An Giang xịt thuốc trị rầy nâu bằng thiết bị bay không người lái nhằm tiết kiệm chi phí. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Cụ thể, rầy nâu được dự báo sẽ xuất hiện và nở rộ gây hại trên các trà lúa ở giai đoạn làm đòng - trổ bông - ngậm sữa ảnh hưởng ở mức độ nhẹ đến trung bình, có khả năng gây cháy rầy trên những chân ruộng thiếu nước, bón thừa phân đạm, ruộng sạ dày. Do đó, bà con nông dân cần theo dõi thường xuyên mật số rầy để có biện pháp phòng trị kịp thời. Nếu mật số rầy nâu ít, gây hại không đáng kể thì chỉ cần chăm sóc cây lúa bình thường và tiếp tục điều tra, theo dõi.

Trong khi đó, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá sẽ xuất hiện ở giai đoạn lúa trổ, ngậm sữa và có thể gây hại nặng trên các ruộng bón thừa phân đạm, sạ dày, nhất là vào những ngày có thời tiết sương mù nhiều, mưa trái mùa,... bệnh rất dễ phát triển và lây lan nhanh trên diện rộng.

Nhằm đảm bảo việc quản lý dịch hại bảo vệ năng suất, sản lượng lúa, nếp giai đoạn từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2023-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hại trên lúa và cây trồng khác của tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hại trên lúa và cây trồng khác huyện, thị xã và thành phố, UBND các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng trừ dịch hại trên lúa từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2023-2024 và cả năm 2024; trong đó, lưu ý kịch bản khi dịch hại có nguy cơ lây lan trên diện rộng và trở thành dịch. Đồng thời, bố trí đủ nhân lực và nguồn lực kinh phí (hoặc lồng ghép kinh phí) cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương được thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt, hiệu quả và kịp thời.

Ban Chỉ đạo phòng, chống các dịch hại trên lúa và cây trồng khác huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức thăm, kiểm tra đồng ruộng nhằm dự báo, phát hiện sớm dịch hại và thông tin kịp thời đến cho người dân nắm; đồng thời hướng dẫn, tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, phòng trị dịch hại kịp thời

Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn (Tổ Khuyến nông cộng đồng) tăng cường tuyên truyền, thông báo, thông tin về dự báo tình hình dịch hại; giới thiệu nông dân tham gia “Bản tin thời tiết nông vụ”; vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn giúp người dân phát hiện sớm dịch hại và khuyến cáo các giải pháp phòng, trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục mời gọi doanh nghiệp, củng cố, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (theo Quyết định 2881/QĐ-UBND ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025) để mở rộng diện tích liên kết sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ lúa của bà con nông dân.

Công Mạo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm