Nhiều người tiêu dùng trong nước chuyển từ sử dụng sản phẩm nhập khẩu sang sản phẩm trong nước. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Bảo vệ, chống thất nghiệp cho người lao động Theo Chủ tịch Hiệp hội VIDA Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, dịch COVID-19 không đơn giản và không thể kết thúc nhanh chóng. Đây là khủng hoảng nhân loại chưa từng gặp phải. Chúng ta phải đối diện với dịch COVID-19, nhưng vấn đề nguy hiểm và lớn hơn nhiều đó là “virus sợ hãi” được lan truyền mạnh mẽ trên mạng, có thể “lây nhiễm” hàng tỷ người trên thế giới. Con “virus sợ hãi” này sẽ khiến con người sinh tâm trạng u buồn, cố thủ, rút nhu cầu tiêu dùng của cả nhân loại. Đánh giá đây là cơ hội của VIDA, của ngành nông nghiệp Việt Nam, nếu có những biện pháp thông minh, sáng tạo, có ý chí, bản lĩnh, thì không chỉ duy trì được sản xuất mà còn có vị trí mới, ông Trương Gia Bình cho rằng, mỗi thành viên Hiệp hội phải làm tốt những gì đã có, mỗi người phải trở thành một chiến sỹ, mỗi công ty, đơn vị phải trở thành pháo đài chống virus, đưa đến người tiêu dùng các sản phẩm một cách thuận lợi và mở rộng xuất khẩu, chiếm vị thế quan trọng hơn trong thời gian dịch bệnh. Nếu thực hiện tốt còn thể giải quyết công ăn việc làm cho các ngành khác đang gặp rất nhiều khó khăn như du lịch, may mặc, giày dép. “Khó khăn, thất nghiệp sẽ dẫn đến mất an toàn xã hội, nên VIDA muốn nêu vấn đề và sẵn sàng đối mặt, với tinh thần phối hợp với Nhà nước để làm việc này”, ông Trương Gia Bình nói. Dẫn chứng về cơ hội cho doanh nghiệp nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods cho biết, dù bị ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19, cả đầu vào và đầu ra đều bị ảnh hưởng, song, trong quý I/2020, sản lượng của Nafoods tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có được nhờ hàng loạt giải pháp, từ thổi sự tự tin, tinh thần vượt qua “virus sợ hãi”, động viên sự sáng tạo của từng thành viên trong hệ thống; gửi thư cho khách hàng chia sẻ, thấu hiểu, yên tâm với Nafoods, sát sao với bà con nông dân, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào; cho đến cơ cấu, sắp xếp lại toàn Tập đoàn, cho nghỉ đối với những người không làm được việc và có chính sách lương, thưởng tốt để người làm được việc yên tâm, làm việc một cách hiệu quả nhất. Từ cách đây 3 tuần, Tập đoàn đã ban hành chính sách làm việc ở nhà. Đồng quan điểm, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng, để biến được nguy thành cơ, một trong những giải pháp quan trọng là cải tổ lại doanh nghiệp, từ hệ thống phần mềm, đến hệ thống quản trị phải thật đơn giản, ít người nhưng quản lý hiệu quả, áp dụng triệt để công nghệ thông tin. Ông cũng chia sẻ những giải pháp trước đó Tập đoàn đã áp dụng để trụ vững và có mức xuất khẩu tăng trưởng 120% trong giai đoạn dịch COVID-19. Với đặc thù làm việc trực tiếp với nông dân, xuất khẩu chiếm tới 99% sản lượng, Tập đoàn đã có nhiều cải tiến trong hoạt động, xây dựng nhà máy ở các tỉnh, thành để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ xuất khẩu, phát triển bền vững. Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ và Trung Đông, hướng tới đối tượng khách hàng vừa và nhỏ. Vì vậy, trong đợt dịch Tập đoàn bán được rất nhiều sản phẩm như hồ tiêu, quế, hồi. “Chuẩn bị cho cả hệ thống tốt thì khi dịch xảy ra, hệ thống quản trị, hệ thống xuất hàng cũng được hỗ trợ rất nhiều. Ba tháng đầu năm, chúng tôi vẫn phải làm hơn 1 ca – 2 ca, để đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu”, ông Thông cho hay. Đề cập đến giải pháp bảo vệ và chống thất nghiệp cho người lao động trong mùa dịch, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Tập đoàn tập trung các bộ phận trực tiếp, gián tiếp làm việc tại trang trại, sát trùng 2-3 lần/ngày; phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng, không cho người ra vào khu cách ly; xây thêm nhà ở, tạo điều kiện cho các gia đình ở xa tới làm việc tại đó, không cho ra vào để tránh dịch bệnh. Các bộ phận bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Tập đoàn ngưng hoạt động, chuyển người lao động về trang trại để tăng năng suất, hiệu quả và quy mô sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, tổng số 1.400 nhân viên vẫn được đảm bảo mức lương, thưởng. Trong từ 3-6 tháng tới, Tập đoàn vẫn đảm bảo mức tăng trưởng 3-5%.Gỡ khó trong tiếp cận vốn Thảo luận tại Hội nghị cho thấy,người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu chuyển từ sử dụng sản phẩm nhập khẩu sang sản phẩm trong nước. Để xác lập vị trí của ngành nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội cần kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách nhanh nhất, táo bạo, quyết đoán để hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn, Hiệp hội cũng cần làm việc với Chính phủ về vấn đề tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Khi biết thông tin Chính phủ có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, doanh nghiệp rất mừng, nhưng làm việc với các ngân hàng, họ lo sợ không dám cho vay vì chưa có thông tư hướng dẫn, lỡ có vấn đề gì, sau khi hết dịch, trách nhiệm sẽ đè lên giám đốc chi nhánh, người chuyên quản, vì vậy doanh nghiệp không tiếp cận được. “Nguồn vốn đã phân bổ về các ngân hàng, nhưng tôi hiểu các ngân hàng đang cấu trúc lại, chưa phân bổ, chưa cho doanh nghiệp vay. Chúng tôi thường nói COVID lan rất nhanh nhưng chính sách, đặc biệt vấn đề vốn thì vô cùng chậm, đó là thực rất buồn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ. Ông cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp phải vay “nóng” với mức lãi suất 3-5.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay và người nông dân cũng phải chấp nhận trả như vậy. Gói tín dụng có nhiều nhưng quan trọng là giải phóng cách tiếp cận gói tín dụng cho doanh nghiệp. Hội nghị đưa ra thông điệp, “VIDA đồng hành cùng đất nước chống dịch COVID19 – đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ người lao động”. Trong đó, thành viên VIDA quyết tâm mỗi nhân viên là 1 chiến sĩ, mỗi đơn vị là 1 pháo đài, mỗi doanh nghiệp là 1 chiến hào chống dịch hiệu quả. Doanh nghiệp VIDA đi đầu sử dụng thương mại điện tử, tối ưu thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm và phát triển thị trường mới, linh hoạt và chuyển đổi tích cực để tạo công ăn việc làm trong mùa dịch.
Chu Thanh Vân