Biểu diễn cồng chiêng. |
Hình thái kinh tế của đồng bào thay đổi đã kéo theo những thành tố làm nên các loại hình di sản văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một do: kiến trúc nhà cửa, ẩm thực (đồ ăn thức uống), phong tục tập quán (thói quen sinh hoạt, vật dụng phục vụ đời sống, ứng xử xã hội, tang ma, cưới hỏi), tín ngưỡng (đời sống tâm linh, quan niệm sống thần linh, nghi lễ dân gian)... Môi trường văn hóa truyền thống với những sinh hoạt văn hóa cồng chiêng thực hành trong các nghi lễ, phong tục tập quán đã không còn tồn tại nguyên vẹn. Những dịp tế lễ là cơ hội để tấu chiêng hầu như hiếm dần. Trước những khó khăn lớn, ngành văn hóa Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu của đề án cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Con người luôn là nhân tố trung tâm, vì vậy hoạt động trao truyền văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ chủ nhân của di sản là cư dân bản địa đã được tăng cường, thúc đẩy. Trong 5 năm qua, ngành văn hóa đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp cơ sở mở được 34 lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đông đồng bào bản địa sinh sống. Trong đó, dân tộc Churu 9 lớp, K’Ho 16 lớp, Mạ 8 lớp, M’Nông 1 lớp. Các lớp học tổ chức ngay trong buôn làng rất giống với hoạt động trao truyền văn hóa cồng chiêng truyền thống. Mỗi lớp có 24 học viên là thanh niên nam, nữ. Các nghệ nhân truyền dạy là những người giàu kinh nghiệm, tâm huyết với việc bảo tồn những giá trị văn hóa của cha ông. Qua các lớp học, giúp các học viên cơ bản biết cách thức diễn tấu cồng chiêng, các bài bản chiêng, đồng thời tiếp thu được những giá trị văn hóa truyền thống liên quan đến cồng chiêng. Bên cạnh đó, nhạc cụ cồng chiêng của các dân tộc bị thất thoát về số lượng do chủ nhân mua bán, trao đổi ra khỏi cộng đồng, hư hỏng, không đủ bộ, chia của... Nhằm tạo điều kiện cho các buôn làng duy trì và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng, đề án đã trang bị 12 bộ chiêng cho các địa bàn thôn buôn ở Di Linh, Đam Rông, Đức Trọng, Đạ Huoai, Lạc Dương. Hỗ trợ các hoạt động biểu diễn và trang phục biểu diễn cho các đội cồng chiêng K’Long (Hiệp An - Đức Trọng), Diom A (Lạc Xuân - Đơn Dương). Những bộ cồng chiêng được trang bị cho các cộng đồng được chính những nghệ nhân cao tuổi của cộng đồng đó tìm hiểu, lựa chọn, chuyển giao cho các buôn làng có nhu cầu, phát huy tác dụng cao, trở thành tài sản chung của đội cồng chiêng, thường xuyên phục vụ các sinh hoạt văn hóa cơ sở. Việc trang bị trang phục truyền thống phục vụ biểu diễn cho các đội cồng chiêng cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ những làng dệt thổ cẩm được khôi phục. Cùng với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các phòng văn hóa thông tin, trung tâm văn hóa thể thao của các huyện đã cùng tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa phù hợp với các biện pháp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của cộng đồng. Ngành đã tổ chức được 3 chương trình liên hoan văn hóa cồng chiêng tại Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai. Hàng năm, các huyện đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao từ huyện đến các xã có đông đồng bào sinh sống. Qua đó, đồng bào các dân tộc tại địa phương có dịp giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm với việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Hàng năm, ngành văn hóa cũng tổ chức lễ hội văn hóa cồng chiêng luân phiên tại các huyện, thành trong tỉnh. Đây cũng là dịp biểu dương các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng, tham gia truyền dạy cồng chiêng. Đến nay, đã tổ chức 9 kỳ lễ hội cấp tỉnh, tôn vinh gần 100 nghệ nhân cồng chiêng tiêu biểu. Lễ hội cũng là dịp ngành văn hóa nhìn nhận, đánh giá được mức độ bảo tồn đối với từng địa phương, từng cộng đồng cư dân bản địa, từ đó, tìm ra phương thức bảo tồn, phát huy phù hợp.
Đưa văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm phục vụ du lịch, đề án đã hỗ trợ hình thành 3 mô hình tại địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Đã tiến hành tập huấn kỹ năng giao tiếp cho các thành viên đội cồng chiêng, đầu tư phục dựng các lễ hội dân gian, nghi lễ truyền thống như: Lễ Pơthi (của người Churu và nhóm K’Ho ở K’Long - Hiệp An, Đức Trọng), Lễ Nhô Wer (của cộng đồng người K’Ho Srê ở Di Linh), Lễ Bok Chu bur (của người Churu ở Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở Lộc Bắc, Bảo Lâm)... Lễ hội dân gian, các nghi lễ truyền thống chính là môi trường duy trì các điều kiện nuôi dưỡng và phát triển văn hóa cồng chiêng tại từng cộng đồng. Tuy nhiên, để mô hình lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Qua 5 năm thực hiện đề án với sự nỗ lực của ngành văn hóa cho thấy cồng chiêng vẫn còn sức lan tỏa và sức sống trong thực tiễn. Để minh chứng cho những thành công của đề án, đêm giao lưu đã diễn ra trong không gian bếp lửa ấm cúng, cây nêu, rượu cần và tiếng cồng chiêng rộn ràng của 11 đội cồng chiêng đến từ 6 xã của huyện Đức Trọng (Tà In, Đà Loan, Hiệp An, Phú Hội, Ninh Gia, N’Thol Hạ) và 5 đội cồng chiêng của 5 huyện: Đạ Huoai, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông. Bầu không khí ấm cúng bao trùm cho thấy sức sống của văn hóa cồng chiêng như một dòng chảy vẫn luôn bền bỉ.
Tuy nhiên, hiện nay, đồng bào thực sự ít có nhu cầu sử dụng cồng chiêng, các nghệ nhân biết đánh chiêng và chỉnh chiêng ngày càng thưa dần do già yếu, qua đời, trong khi thế hệ trẻ ít có điều kiện tiếp cận. Hơn nữa, sẽ không một giá trị văn hóa nào có thể tồn tại được nếu một bộ phận lớn chủ nhân sáng tạo ra nó thờ ơ, chối bỏ nó, cho đó là những phong tục lạc hậu không còn phù hợp với lối sống hiện đại. Sự biến tấu lai tạp, bảo tồn không đúng nguyên bản của một số cộng đồng dân cư bản địa cũng làm cho cồng chiêng dần bị biến dạng, mai một. Để cồng chiêng có sức sống lâu bền, mạnh mẽ hơn vẫn rất cần sự “hà hơi” tiếp sức của các cấp, các ngành có trách nhiệm.
Báo Lâm Đồng