Đầu tư cho gìn giữ di sản Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu

Đầu tư cho gìn giữ di sản Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu
Hàng nghìn di tích xuống cấp

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện thành phố có 5.928 di tích và là địa phương có di tích lớn nhất cả nước. Tuy vậy, Hà Nội cũng có hàng nghìn di tích bị xuống cấp, trong đó có khoảng 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Do số lượng di tích xuống cấp lớn nhưng nguồn lực đầu tư chủ yếu từ ngân sách cấp huyện, cấp xã bố trí còn hạn hẹp và từ nhân dân đóng góp tự nguyện nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, nguồn kinh phí chỉ để thực hiện tu sửa cấp thiết, chống đổ sập, hủy hoại di tích đối với di tích xuống cấp trầm trọng cũng bị thiếu, hiện nhiều di tích đang có nguy cơ sập đổ, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Bà Lê Cẩm Tú, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Tại các quận nội thành đã cân đối được nguồn vốn để đầu tư tu bổ di tích, nhưng ở rất nhiều huyện, đặc biệt ở các huyện quản lý khối lượng lớn di tích, hiện nay chưa bố trí được nguồn kinh phí và cũng chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư tu bổ. Kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015 đã được thành phố Hà Nội phê duyệt hỗ trợ đầu tư nhưng nhiều di tích chưa được đầu tư hoặc đầu tư dở dang do huyện không cân đối được nguồn vốn đối ứng. Bên cạnh đó, với một số ít di tích khi bố trí được nguồn vốn tu bổ thì thủ tục, trình tự xây dựng hồ sơ, trình các cấp phê duyệt theo quy định phải qua nhiều khâu, rất khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện, nhất là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
 
Hội Gióng Phù Đổng năm 2018. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN
Hội Gióng Phù Đổng năm 2018. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Trước thực trạng này, giải pháp được đề xuất là tiếp tục đa dạng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa gồm nguồn vốn đầu tư của trung ương, nguồn vốn đầu tư của thành phố cho các chương trình mục tiêu, đặc biệt là chương trình mục tiêu tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản kết hợp với đẩy mạnh và huy động nguồn vốn xã hội hóa. Đối với các di tích cần tu bổ cấp thiết chống sập, hư hỏng nặng, sửa chữa chống xuống cấp cần rà soát đưa vào danh sách trình UBND thành phố hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, các quận, huyện cần tiếp tục phối hợp triển khai, rà soát, lập danh mục các di tích cần tu bổ đề nghị xây dựng kế hoạch tu bổ di tích tại địa phương. Đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, lập danh mục đưa vào kế hoạch để thành phố cân đối nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ một số huyện không có khả năng cân đối được nguồn vốn.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng cho rằng, để tăng nguồn lực đầu tư cho tu bổ di tích xuống cấp cần đa dạng hóa nguồn đầu tư, một mặt mở rộng hình thức đầu tư, huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đầu tư.

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần lụi tàn

Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.206 lễ hội truyền thống. Trong đó 2 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn, kéo co ngồi ở hội đền Trấn Vũ và kéo mỏ ở hội đền Vua Bà (hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co), 1 di sản nằm trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO là ca trù. Hà Nội cũng có 39 nghệ nhân có những đóng góp đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản được Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015.

Mặc dù vậy, nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị lụi tàn, mai một do sức ép của quá trình đô thị hóa, không đủ sức tồn tại, cạnh tranh. Trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp như: Tiếng lóng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ), hát trống quân Khánh Hà (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín), hát trống quân thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên), hát ví xã Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai), hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), hát ca trù xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai)...

Nhiều di sản có nguy cơ lụi tàn do nguyên nhân khác như không được thực hành thường xuyên, môi trường sống thay đổi không còn không gian và điều kiện để thực hành. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết: Các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể ngày một cao tuổi, một số nghệ nhân đã ra đi mà chưa tìm được người để truyền dạy, bảo tồn di sản. Trong khi thời gian đào tạo một người thành thạo các kỹ năng thực hành một loại hình di sản phải mất từ 10 – 12 năm, nên rất khó thuyết phục được lớp trẻ gắn bó lâu dài với di sản. Hơn nữa, kinh phí truyền dạy không được sự hỗ trợ nhiều của các cơ quan chức năng, mà hoàn toàn do sự tự nguyện của người dạy và người học. Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho các nghệ nhân, không đủ sức trang trải cuộc sống hàng ngày và càng không đủ trang trải cho việc truyền dạy.

Trước thực trạng này, UBND các quận, huyện, thị xã cần xây dựng đề án hỗ trợ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Nếu không có sự quan tâm đầu tư xứng đáng, các di sản sẽ dần mai một và có khả năng mất đi theo thời gian.
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm