Đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng đổi mới, nâng cao kỹ năng gắn với nhu cầu xã hội

Đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng đổi mới, nâng cao kỹ năng gắn với nhu cầu xã hội

Tỉnh Ninh Thuận đang tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao kỹ năng nghề gắn với nhu cầu xã hội nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông nghiệp - nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp đào tạo nghề nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm.

Đến nay, Ninh Thuận đã xây dựng danh mục đào tạo nghề 110 nghề nông nghiệp, 9 nghề phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo 17 nghề ở trình độ cao đẳng, 10 nghề trình độ trung cấp, 187 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực khoảng 9.000 người/năm. Nhờ xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với người lao động, đa số học viên sau khi học nghề đã có việc làm, biết cách vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lao động trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo nâng lên trên 55%, phấn đấu thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 8.164 lao động nông thôn làm nông nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Cụ thể, tỉnh tập trung đào tạo cho 7.965 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững.

Tỉnh đào tạo 199 giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các hợp tác xã, đảm bảo mục tiêu 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021.

Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, tỉnh Ninh Thuận sẽ bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; marketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và đào tạo giám đốc hợp tác xã nông nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tăng cường huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động tham gia học nghề. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Các huyện, thành phố thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của người lao động. Các đơn vị huy động lực lượng tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi, nghệ nhân, thợ giỏi và lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp để tham gia đào tạo nghề; gắn kết các hoạt động khuyến nông với hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tổ chức nhân rộng mô hình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong ngành nông nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung rà soát và xây dựng các chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi an toàn, các nghề dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, các cơ sở giáo dục tăng cường đổi mới phương pháp đào tạo theo hình thức bắt tay chỉ việc, đào tạo thực hành là chính, đào tạo tại nơi sản xuất. Tổ chức linh hoạt các hình thức đào tạo từ trực tiếp, sang trực tuyến, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đẩy mạnh ký hợp đồng với các đơn vị sử dụng lao động để tổ chức đào tạo nghề theo yêu cầu.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo giáo dục nghề nghiệp các trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng được nhu cầu nhân lực phục vụ trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm