Bài 2: Cái nôi nuôi dưỡng của cộng đồng
Di sản văn hóa phi vật thể có sự gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần cộng đồng làng xã; cộng đồng làng xã có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong khi nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một thì không ít di sản được phục hồi từ nhiệt huyết, đam mê của các nghệ nhân, các bậc cao niên và người dân.
Hồi sinh nhiều di sản quý
Tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội mới vừa diễn ra, người dân Thủ đô và du khách vô cùng phấn khích khi xem đội múa đánh bồng của làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), với các chàng trai giả gái lả lướt theo điệu nhạc, tay múa phóng khoáng, chân khua duyên dáng, ánh mắt lúng liếng, miệng cười tủm tỉm. Có lẽ thường xuyên được biểu diễn tại các lễ hội, các chàng giả gái tỏ ra tự tin trong điệu múa khiến người xem cảm nhận rõ sự vui tươi, tràn ngập hạnh phúc.
Di sản văn hóa phi vật thể có sự gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần cộng đồng làng xã; cộng đồng làng xã có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong khi nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một thì không ít di sản được phục hồi từ nhiệt huyết, đam mê của các nghệ nhân, các bậc cao niên và người dân.
Hồi sinh nhiều di sản quý
Tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội mới vừa diễn ra, người dân Thủ đô và du khách vô cùng phấn khích khi xem đội múa đánh bồng của làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), với các chàng trai giả gái lả lướt theo điệu nhạc, tay múa phóng khoáng, chân khua duyên dáng, ánh mắt lúng liếng, miệng cười tủm tỉm. Có lẽ thường xuyên được biểu diễn tại các lễ hội, các chàng giả gái tỏ ra tự tin trong điệu múa khiến người xem cảm nhận rõ sự vui tươi, tràn ngập hạnh phúc.
Múa "Con đĩ đánh bồng". Ảnh Thanh Tùng-TTXVN |
Múa đánh bồng thường gắn với lễ hội làng Triều Khúc được coi là một trong điệu múa cổ độc đáo nhất của đất Thăng Long mà người làng Triều Khúc đã dày công gìn giữ bởi trong khoảng thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ trước, múa đánh bồng đã từng bị mai một do thời kỳ chiến tranh. Đến những năm 80, các bậc cao niên trong làng trăn trở với làn điệu truyền thống của tiền nhân để lại nên đã cất công khôi phục. Hiện nay, điệu múa đánh bồng đã thu hút sự tham gia của nhiều người, trở thành niềm tự hào của người dân làng Triều Khúc. Không chỉ trình diễn ở các hội làng, đội múa đánh bồng còn thường xuyên biểu diễn ở các lễ hội, các sự kiện quan trọng trong làng, ngoài xã và ra cả các tỉnh thành khác.
Nhiều điệu múa cổ, làn điệu hát, lễ hội, nghề truyền thống rất quý được hồi sinh từ chính cộng đồng làng xã. Sau một thời gian dài mai một, nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi di sản cha ông để lại cứ mất dần và bắt đầu quan tâm phục hồi. Khó có thể kể hết nỗi nhọc nhằn của họ, song trên hết là tình yêu và trách nhiệm với giá trị truyền thống, do vậy họ dần làm sống dậy các vốn cổ. Có thể kể tới các di sản như múa lột rắn ở lễ hội đình Trường Lâm, phường Việt Hưng (quận Long Biên), hát trống quân ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), hát dô xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), lễ hội đền Thượng, xã Minh Quang và Ba Vì (huyện Ba Vì), hát chầu văn xã Ninh Sở (huyện Thường Tín)…
Các cụ cao niên xã Tân Hội, huyện Đan Phượng kể lại, hội chèo tàu của quê hương cuối cùng được tổ chức vào năm 1922, đến năm 1998 hội được khôi phục lại. Cũng từ đó, Câu lạc bộ hát chèo tàu tổng Gối xã Tân Hội được thành lập với 20 người ban đầu; đến nay đã lên tới 60 người. Đến với nhau, họ cùng chung niềm đam mê và lòng tự hào với di sản vốn quý của làng xã để quên đi những vất vả trong cuộc sống. Các lễ hội làng hay các sự kiện văn hóa của địa phương, hầu như đều có sự góp vui của làn điệu chèo tàu Tân Hội. Dù còn nhiều khó khăn song Câu lạc bộ hát chèo tàu tổng Gối xã Tân Hội vẫn thường xuyên sinh hoạt, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với việc dạy hát, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo tàu Tân Hội cũng nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ di sản quê hương, gắn bó với nghệ thuật chèo tàu.
Gắn bó bằng đam mê và nhiệt huyết
Dù cuộc sống xoay vần, còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những người trăn trở, đam mê với di sản, di sản chính là ý nghĩa cuộc sống của họ. Không ai thuê mượn, không ai trả công song những con người ấy ngày đêm cần mẫn khôi phục, phát huy, trao truyền cho thế hệ trẻ. Thậm chí họ còn bỏ kinh phí riêng để duy trì sức sống cho di sản, khích lệ lớp trẻ tham gia.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc, ông Triệu Đình Hồng năm nay đã ngoài 70 tuổi say sưa không dứt khi nói về điệu múa đánh bồng đặc sắc của quê hương mình. “Cả đời tôi đam mê với múa bồng, niềm đam mê đó xuất phát từ đáy lòng mình. Ngoài thời gian lo công việc riêng, cứ rảnh lúc nào tôi lại dồn công sức cho di sản cha ông để lại” – ông Triệu Đình Hồng giãi bày tâm tư. Thời gian mới phục hồi điệu múa cổ, ông gặp không ít khó khăn, đi từng nhà vận động thanh niên tham gia nhưng thủa đó nhiều người vẫn giữ định kiến múa hát thường dành cho phái nữ. Rồi ông cùng một số bậc cao niên sưu tầm, nhớ lại từng động tác, điệu bộ của vũ điệu đánh bồng. Cần mẫn vận động, truyền dạy, đến nay số nam thanh niên tham gia múa thường xuyên lên tới vài chục người. Ngoài ra, cứ hai năm một lần ông vào Trường Trung học cơ sở Tân Triều dạy múa cho các cháu học sinh nam, mỗi lớp khoảng 20 cháu. Ông Hồng còn bỏ kinh phí riêng để động viên, khuyến khích các cháu tham gia.
Gặp lại ông Âu Xuân Kiên, Trưởng ban Quản lý di tích đình – chùa Trường Lâm, phường Việt Hưng (quận Long Biên) vào một ngày tháng 10/2018, nghe ông kể chuyện về bảo tồn điệu múa lột rắn mới thấy sự đam mê của ông với nghi lễ cổ này. 20 năm qua ông gắn bó với chức danh Trưởng ban Quản lý di tích và gắn với điệu múa lột rắn truyền thống với lòng nhiệt huyết, thậm chí việc nhà bận rộn ông cũng gác lại, sức khỏe yếu ông cũng gắng gượng đi. Bởi theo ông, các cụ trong làng có công khai sáng ra di sản quý thì thế hệ sau phải có công gìn giữ. Dù thường xuyên động viên các nam thanh niên tham gia múa, ông Âu Xuân Kiên vẫn không giấu khỏi nỗi lo bởi ông tuổi cũng cao, những người kế tục sau này có đủ nhiệt huyết để duy trì tốt các nghi lễ múa cổ hay không. Hiện tại, với nhiệt huyết và đam mê, ông vẫn cố gắng gìn giữ, bảo vệ di sản sau bao năm ông và các bậc cao niên cất công khôi phục lại.
Nhiều người gắn bó với di sản như một cái nghiệp, không chỉ nhiệt tình mà còn là niềm đam mê, có thể hy sinh cả cái riêng để cho sự phát triển của di sản. Tuy vậy, để có sức sống bền vững, di sản vẫn cần sự tác động tích cực từ nhiều phía, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan chức năng.(Còn tiếp).
Đinh Thuận
TTXVN