Nhắc đến Đắk Nông, nhiều người thường biết đến cụm thác Dray Sáp-Gia Long-Trinh Nữ; thác Đắk Glun, Liêng Nung, Đắk Búk So, Lưu Ly, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng... vừa hùng vĩ nhưng không kém phần mộng mơ, lý tưởng cho các hoạt động du lịch khám phá, sinh thái. Bên cạnh đó, Đắk Nông còn có các khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị phục vụ việc giữ gìn, tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch như di tích lịch sử bon Bu Nor, ngục Đắk Mil; khu căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, di tích Đồi 722…
|
Bình minh trên hồ Đăk Tih (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Ảnh:Ngọc Tâm- TTXVN |
Cùng với đó, sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau của 40 thành phần dân tộc, trong đó nền văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ, Ê đê đã tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn từ chính các sản phẩm văn hóa mang tính đặc trưng như chiêng, đàn đá, những nhạc cụ thô sơ làm bằng tre, nứa, chất liệu của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Những điệu múa, lời ca, các sản phẩm làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc và bộ sử thi Ót N’drông của đồng bào M’nông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014… tạo thêm chiều sâu cho du lịch Đắk Nông.
|
Thác Đ'ray Sáp. Ảnh:Ngọc Tâm- TTXVN |
Đặc biệt, Đắk Nông còn sở hữu một hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô và là chặng cuối trong tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ và các cửa khẩu thông thương qua nước bạn Campuchia, nối liền các nước khu vực Đông Nam Á, cũng chính là điều kiện để kết nối các điểm tour của các tỉnh và quốc tế. Đây là những lợi thế để kiến tạo và phát triển một ngành du lịch hấp dẫn và bền vững.
|
Khu du lịch sinh thái Tà Đùng- một Hạ long trên cạn ở Đắk Nông. Ảnh:Ngọc Tâm- TTXVN |
|
Lễ hội mừng được mùa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông. Ảnh:Ngọc Tâm- TTXVN |