Đắk Nông khuyến cáo không nên mở rộng diện tích trồng tiêu

Giá tiêu tăng "nóng" trở lại khiến người dân vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Giá tiêu tăng "nóng" trở lại khiến người dân vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay trước tình hình giá hồ tiêu đang có dấu hiệu hồi phục, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mở rộng diện tích.

Đắk Nông khuyến cáo không nên mở rộng diện tích trồng tiêu  ảnh 1 Giá tiêu tăng "nóng" trở lại khiến người dân vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông khuyến cáo các địa phương và người dân cần áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, chú trọng canh tác hữu cơ. Đồng thời, không sử dụng lại trụ tiêu cũ của các diện tích đã bị nhiễm bệnh, chết để trồng mới.

Đối với diện tích hồ tiêu tái canh nông dân phải xử lý đất, cần có thời gian luân canh từ 1-2 vụ để giảm bớt mầm bệnh đang tồn dư trong đất. Ngoài ra, người dân không nên mở rộng ồ ạt diện tích trồng tiêu, cần bám sát “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và “Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” để nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông.

Giá thu mua hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang có xu hướng tăng cao, hiện nay giao động khoảng 70.000 đến 72.000 đồng/kg, tăng khoảng 2 lần so với thời gian trước. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã mở rộng diện tích cây tiêu.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, do người dân ồ ạt trồng hồ tiêu nên các loại vật tư và giống các loại cây tiêu tăng cao. Trong 2 năm trở lại đây, giá trụ tiêu từ 60.000-70.000 đồng/trụ thì nay tăng gấp 2 lần với giá 120.000 đồng/trụ. Giá tiêu giống trước đây 3.000 đồng/bầu thì nay tăng từ 5.000-6.000 đồng/bầu.

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã vượt 34.000 ha, cao hơn 7.000 ha so với diện tích quy hoạch hồ tiêu của tỉnh đến năm 2030.

Đắk Nông là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây hồ tiêu. Đây là một trong những cây trồng chủ lực được người dân sản xuất lâu năm. Tỉnh Đắk Nông hiện có 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 1.500 ha tại hai xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.

Người dân nơi đây sản xuất, liên kết và bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ và Rainforest và được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Đắk Song. Một số địa phương khác, người dân đã thực hiện sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhỏ lẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm giá trị hồ tiêu Đắk Nông.


Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm