Anh Ngô Văn Tiên trong vườn tiêu sạch của mình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Năm 2015-2016, diện tích cây hồ tiêu của tỉnh Gia Lai giảm mạnh do sâu bệnh, nhiều hộ dân phải nhổ bỏ hết diện tích tiêu của gia đình để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, vườn tiêu 6 ha của anh Tiên không bị ảnh hưởng bởi trước đó anh đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến như tưới nhỏ giọt, bón phân hữu cơ vi sinh… nên tránh được sự lây lan mầm bệnh trên cây tiêu. Anh Tiên cho biết, là hội viên hội nông dân tỉnh Gia Lai, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương anh đã đi nhều nơi học hỏi kinh nghiệm về trồng tiêu sạch. Được sự chỉ dẫn của các chuyên gia đầu ngành của viện cây trồng Tây Nguyên, anh thực hiện 4 tiêu chí đúng: “đúng vụ, đúng bệnh, đúng thuốc (phân) và đúng liều”. Qua kinh nghiệm nhiều năm, anh Tiên đã quyết định trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ vi sinh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc. "Đồng thời, việc chăm sóc tiêu cần phải để hết tâm huyết của mình vào sự phát triển của cây như chăm con trẻ, phải biết điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng mà có cách xử lý phù hợp", anh Tiên chia sẻ. Anh Tiên cho biết thêm, với cách đầu tư cũ như bón phân vô cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật… 1 ha tiêu có chi phí khoảng 100 triệu đồng, thì nay với hướng chăm sóc, bón phân vô cơ vi sinh chỉ tốn khoảng 20-25 triệu đồng/ha nhưng lại cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế gấp đôi so với kiểu cũ. Bón phân hữu cơ vi sinh lại dễ phục hồi đất, ít nấm bệnh thối rễ hơn bón phân hóa học kiểu cũ. Anh Tiên là người từng tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Singapore” do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Singapore, năm 2017, tại đây hồ tiêu của anh được công nhận là “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”, nhờ đó bán được với giá 100.000 đồng/kg, trong khi hồ tiêu bình thường khác chỉ đạt 50.000 đồng/kg.
Anh Ngô Văn Tiên trong vườn tiêu sạch của mình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Vườn tiêu của gia đình anh Tiên, trừ chi phí cho thu nhập mỗi năm từ 1-2 tỷ đồng. Bà con trong vùng thấy hiệu quả sản xuất từ cách trồng tiêu theo hướng sạch, bền vững đã đến học hỏi, anh Tiên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn tiếp cận đầu ra cho bà con. Qua nhiều năm thai nghén, cùng sự ủng hộ của gần 70 thành viên trong vùng, đầu năm 2018, anh Tiên đứng ra thành lập Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch và bền vững xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa. Hiện nay Tổ liên kết này đang phát triển mạnh mẽ, là địa điểm tin cậy để nhiều nông dân trồng tiêu trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Là nông dân sản xuất tiêu sạch, bền vững thôi chưa đủ, anh Tiên còn là người năng nổ, nhiệt tình đi tìm đầu ra cho anh em trong tổ liên kết. Từ việc đi khắp nơi các địa bàn trồng tiêu trong nước để học hỏi kinh nghiệm, anh Tiên còn ra nước ngoài để học các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho tổ liên kết. Với nhiều nổ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ đắc lực của các thành viên trong tổ, năm 2018, Tổ đã có nhiều công ty đến đặt hàng và ký hợp đồng hợp tác lâu dài. Nhờ sản xuất tiêu sạch bán với giá gấp đôi tiêu bình thường nên đời sống kinh tế của các thành viên tổ liên kết rất khá giả. Ngoài phát triển kinh tế gia đình và các thành viên trong tổ liên kết, anh Tiên còn mở tiệm cơ khí sữa chữa công cụ máy móc nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên dân tộc thiểu số trong vùng. Vườn cà phê của gia đình anh Tiên cũng là nơi tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục công nhân mỗi tháng với mức thu nhập 180-200.000đ/ngày. Ngoài ra, vợ chồng anh Tiên còn nhận giúp đỡ gia đình chị H’Ru ở làng Weh, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa. Hộ người dân tộc Jrai này thường xuyên thiếu đói, con cái nheo nhóc, bố mẹ không có việc làm ổn định, ở trong căn lều rách nát. Anh Tiên đã nhận hai vợ chồng chị H’Ru vào làm việc tại vườn tiêu của gia đình, đồng thời làm cho gia đình họ một căn nhà gỗ, mái ngói che nắng mưa. Từ khi nhận được sự giúp đỡ của anh Tiên, gia đình chị H’Ru đã ổn định kinh tế, con được đến trường, không còn cảnh nghèo đói. Ngoài ra, anh Tiên còn tạo điều kiện mua giống, phân bón và phương tiện sản xuất cho gia đình chị H’Ru trồng được 300 cây cà phê tạo kế sinh nhai ổn định cho cả gia đình. Chị H’Ru xúc động chia sẻ: Nếu không có anh Tiên giúp đỡ, gia đình tôi không biết sẽ ra sao. Giờ kinh tế và cuộc sống đã ổn định nhiều rồi, công ơn của anh Tiên, gia đình chúng tôi không bao giờ quên. Anh Tiên còn thường xuyên cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số trong vùng vay vốn mua giống cây, con giống, phương tiện sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, anh còn hỗ trợ kinh phí cho các hội, đoàn thể địa phương tổ chức các buổi giao lưu, văn hóa, văn nghệ nhằm tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Với những cống hiến và thành tích đã đạt được, từ năm 2012 đến nay, anh Ngô Văn Tiên đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào thi đua yêu nước. Ông Rơ Mah Giáp, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: Anh Ngô Văn Tiên là một trong những nông dân tiêu biểu, nhiệt tình trong công tác hội, luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế tại địa phương như tưới nhỏ giọt, sản xuất tiêu sạch… Anh là người tiên phong góp phần mang thương hiệu tiêu sạch của Gia Lai ra thị trường trong nước và thế giới. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Tiên còn là chỗ dựa của nhiều hộ nông dân trồng tiêu trong việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ bà con trong sản xuất kinh doanh, xứng đáng là một tấm gương để nông dân tỉnh Gia Lai học tập và noi theo.
Hồng Điệp