Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết khuyến cáo, giá cả hồ tiêu tăng lên như hiện nay bà con cần phải cân nhắc, không nên mở rộng diện tích mà cần tập trung đầu tư theo hướng an toàn, hữu cơ.
Bà con nên chăm sóc cho cây phát triển bền vững, ít bệnh chết nhanh chết chậm, chất lượng ngày càng được nâng cao, thu nhập sẽ ổn định hơn, đồng thời cải thiện đời sống bà con trồng tiêu trong thời gian tới.
“Trong 3 năm trở lại đây giá tiêu xuống rất thấp. Bởi vậy, việc đầu tư thâm canh của người dân cũng hạn chế, dịch bệnh gia tăng, bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu xảy ra rất thường xuyên. Thời gian trước, giá tiêu cao nên người dân đầu tư phân bón, thuốc có nguồn gốc chất hóa học rất nhiều nên chai đất, cây không khỏe. Khi người dân bỏ bê không chăm sóc vườn thì dẫn đến tiêu chết dần”, bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm.
Trong thời gian 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước diện tích tiêu chết khoảng 2.000 ha (từ hơn 17.000 ha xuống còn hơn 15.800 ha). Với việc tiêu tăng giá cao hơn so với các năm trước khiến người dân trồng cây “vàng đen” vui trở lại. Việc “găm hàng” sẽ dẫn đến hệ lụy làm mất cân bằng cung, cầu. Người nông dân vẫn luôn nuôi hy vọng giá tiêu sẽ tăng và ổn định hơn, cuộc sống đỡ khó khăn, phát triển cây tiêu bền vững.
Niên vụ 2021, giá thu mua hồ tiêu tăng gần gấp đôi so với khoảng 3 năm trước. Nhiều hộ dân trồng tiêu ở Bình Phước rất phấn khởi sau nhiều năm giá cả lao dốc. Tuy nhiên, sau khi giá tăng mạnh, một số hộ dân đã quyết định trữ để chờ giá cao hơn để bù lỗ.
Ông Phạm Văn Lý ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp là một trong những hộ tham gia câu lạc bộ trồng tiêu sạch nhiều năm. Trước việc giá tiêu biến động tăng hơn 20.000 đồng/kg, ông Lý đã trữ một phần tiêu trong thời gian này để chờ giá lên cao hơn. Ông Lý lý giải về việc trữ tiêu là do nhiều năm liền thất thu do giá thấp, đầu tư để “cầm cự” cho cây tiêu sống đã gây tổn thất về kinh phí cho gia đình.
Vì vậy, khi giá tiêu lên cao hơn so với 3 năm trở lại đây, người dân không bán luôn mà chờ bán có giá cao hơn lấy lại vốn. Ngoài ra, theo ông Lý, tiêu phải giữ ở mức từ 120.000-130.000 đồng/kg thì người nông dân mới có thể tái đầu tư sản xuất và đảm bảo được cuộc sống gia đình.
Với khoảng 7 ha tiêu cho thu hoạch 6 năm nay, vườn tiêu của gia đình ông vẫn phát triển tốt, nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn của Nedspice, mỗi trụ có năng suất đạt từ 2-3kg sau thu hoạch.
“Hiện gia đình tôi quyết định trữ khoảng 10 tấn tiêu chờ tăng giá cao hơn. Ngoài ra nếu giá tiêu vẫn giữ như hiện nay mà không tăng gia đình vẫn để lại vài năm nữa và tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Hiện nay, gia đình tôi cũng đã dần chuyển đổi một số cây trồng như măng cụt, sầu riêng và bưởi da xanh để dần thay thế cho số tiêu đang giai đoạn già cỗi”, ông Lý chia sẻ.
Còn gia đình ông Trần Văn Tuân ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp hiện có 6 ha tiêu cho thu hoạch hơn 3 năm nay. Nhờ có kỹ thuật canh tác hiệu quả mà 6 ha tiêu gia đình ông luôn xanh tốt, năng suất luôn giữ mức từ 2-2,5 kg tiêu khô trên mỗi trụ tiêu. Theo ông Trần Văn Tuân, trong những ngày gần đây giá tiêu đã có chiều hướng tăng giao động từ 65.000 đồng đến hơn 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên gia đình ông vẫn quyết định không bán tiêu ra mà tiếp tục giữ lại để chờ tăng giá hơn nữa. Vì theo ông sau khi trừ mọi chi phí với giá như hiện nay thì có bán hết tiêu vẫn chưa có lãi nên gia đình vẫn chưa muốn bán.
Ông Bùi Quốc Hai, Chủ nhiệm hợp tác xã tiêu bền vững Hưng phước, huyện Bù Đốp cho biết, với giá cả như hiện nay các thành viên hợp tác xã chưa bán vì theo tính các khoản chi phí chưa đủ vốn. Do đó sẽ chờ đến khi giá hợp lý người trồng tiêu có lợi nhuận mới bán. Hợp tác xã tiêu bền vững Hưng Phước có 73 thành viên với diện tích khoảng 100 ha. Mùa vụ năm nay dự kiến thu hoạch khoảng 150 tấn, đạt khoảng 30-40% so với sản lượng những năm ngoái. Các thành viên hầu như đều trữ lại số tiêu lớn để chờ tăng giá mới bán.
K GỬIH