Vườn tiêu sản xuất theo quy trình GlobaGAP của gia đình ông Lâm Ngọc Nhâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Ông Nguyễn Thu, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Thành, ấp Hiệp Thành, xã Quảng, huyện Châu Đức có 1ha trồng tiêu. Từ năm 2014 đến nay, ông đều áp dụng các kỹ thuật, quy trình để sản xuất tiêu theo hướng an toàn bền vững mà Công ty TNHH Olam Việt Nam đã hướng dẫn. Đó là bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục, xịt thuốc cũng là loại thuốc trừ sâu an toàn cho con người, theo danh mục mà công ty đã đưa ra… Từ năm 2017 đến nay, do giá tiêu bắt đầu rớt giá nên phía Công ty TNHH Olam Việt Nam không thu mua sản phẩm liên kết với người nông dân nữa, nên ông Thu đã phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm tiêu an toàn của gia đình. Vụ tiêu đầu năm nay, ông đã liên kết được với Công ty TNHH Duy Prosper (đặt tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để bán sản phẩm, sau khi kiểm tra mẫu hạt tiêu thấy đạt chuẩn an toàn công ty đã thu mua hết 1 tấn tiêu của gia đình ông và thưởng thêm 10.000 đồng/kg. Với mức thưởng đó trung bình 1kg hạt tiêu ông bán được khoảng 100.000 đồng/kg, cao hơn so với các hộ trồng tiêu khác. Ông Nguyễn Thu cho biết thêm, do giá tiêu rớt xuống thấp, lo ngại trước vấn đề nhiều hộ không còn “mặn mà” với việc chăm sóc cây tiêu, nên ông cùng Ban quản trị hợp tác xã vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động người trồng tiêu duy trì áp dụng quy trình nghiêm ngặt trong việc trồng tiêu an toàn bền vững, hướng tới sản phẩm an toàn. Đồng thời, tuyên truyền cho các thành viên hợp tác xã hiểu hiện tại giá cả hồ tiêu tuy có xuống thấp, nhưng theo xu thế của thị trường trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, về lâu về dài sản xuất theo hướng an toàn là xu thế tất yếu, có như vậy sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường. Ông Lâm Ngọc Nhâm, ấp Phú Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Bàu Mây, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, có 15ha trồng tiêu, với giống tiêu mang tên Bàu Mây, cách đây 2 năm ông đã thử nghiệm việc trồng hoa mười giờ trong vườn tiêu. Ông sáng tạo trong sản xuất trồng cộng sinh cây ngắn ngày để giữ ẩm cho đất đồng thời không phải làm cỏ cho vườn, giảm lượng nước tưới, trồng hoa trong vườn hồ tiêu để thu hút thiên địch có lợi cho vườn. Sử dụng phân sinh học tự chế từ cua, cá và phôi trứng gia cầm. Cách làm này đã giúp ông Nhân hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu của ông hiện nay đang được xuất đi nhiều nước trên thế giới, với giá khá cao so với các loại tiêu khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, ông Nhâm còn nhân rộng ra toàn hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Bàu Mây. Nhờ vậy, tháng 12/2017, 15 ha tiêu Bầu Mây đã đạt chứng nhận quốc tế GlobalGAP. Vụ tiêu năm 2018, sản phẩm tiêu Bàu Mây gồm tiêu xanh, tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu bột… đã xuất khẩu được hơn 300 tấn đi một số quốc gia như Nhật Bản, Australia với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá bán trong nước (dao động từ 84.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng/kg) và được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài địa phương đầu tiên là huyện Châu Đức, còn có thêm huyện Xuyên Mộc cũng đã triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững”, với diện tích hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững của tỉnh là 828 ha của 903 hộ tham gia dự án. Bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc ổn định diện tích thâm canh theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất là những vấn đề cần giải quyết trong việc phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay và về lâu về dài.
Hoàng Nhị